Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên - đơn vị tổ chức hội thảo đã đặt ra câu hỏi mà nhiều người thắc mắc lâu nay là khúc mắc của nhiều người muốn đầu tư vào vấn đề sở hữu căn nhà thứ 2: “Lợi nhuận ra sao? Pháp lý có rủi ro hay không?”. Theo ông Toàn, việc đầu tư sở hữu căn nhà thứ 2 ở các nước phát triển đã có từ lâu. Còn ở Việt Nam dù không phải điều mới mẻ nhưng gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý, về cam kết lợi nhuận từ các chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư là các công ty bất động sản nổi tiếng cũng nói rằng việc “sở hữu căn nhà thứ 2” là hoàn toàn phù hợp với xu hướng. Nhất là khi thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng. Người dân cũng chú trọng vào du lịch nghỉ dưỡng.Về pháp lý, các công ty bất động sản khuyến cáo người dân nên lựa chọn những chủ đầu tư dự án có uy tín để tránh rủi ro.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết: “Thực ra, lợi nhuận cao thì không thể bền vững. Lợi nhuận cao thường đi đôi với rủi ro. Muốn an toàn, thì người đầu tư phải có kiến thức về loại hình mình đang định đầu tư. Tôi nói thêm, từ tháng 3/2017 đến nay thị trường BĐS sụt giảm về quy mô, nhiều dự án ngừng triển khai”.
“Đối với việc sở hữu căn nhà thứ 2, thế giới thì có nhiều nhưng Việt Nam chỉ bộc phát từ vài năm trở lại đây. Tôi nghiên cứu rất kỹ Luật Đất đai và Luật Đầu tư bất động sản. Những dự án Codotel đều đủ cơ sở cấp sổ đỏ. Nhưng chính quyền hoặc cấp không đúng hoặc không cấp khiến người dân cảm thấy quyền lợi chưa được thoả đáng. Từ đó còn e dè”, ông Châu nói.
Vấn đề dễ xảy ra tình trạng rủi ro khi đầu tư việc sở hữu căn nhà thứ 2 là cam kết của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư luôn cam kết lợi nhuận cao, thu hồi vốn trong thời gian ngắn nhưng không có biện pháp nào đảm bảo chủ đầu tư chịu trách nhiệm về cam kết đó. Luật Đầu tư bất động sản chưa có những quy định cụ thể về việc tài sản là nhà hoặc sở hữu hình thành trong tương lai nên rất khó xử lý khi chủ đầu tư vi phạm về cam kết.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng chia sẻ: “Chủ đầu tư nên tìm hiểu quy hoạch tổng thể của từng địa phương trước khi hình thành dự án. Đồng thời phải tìm hiểu được nhu cầu của người dân. Đối với người dân, tôi mong là người dân nên tìm hiểu kỹ về dự án, về pháp lý trước khi đầu tư. Mình hiểu rõ pháp lý thì sau này có vấn đề gì, mình xử lý dễ dàng hơn. Đối với Nhà nước thì cần có hành lang pháp lý kịp thời để chủ đầu tư thuận lợi hơn, người dân yên tâm khi đầu tư”.