Tập đoàn Đại Châu “tháo chạy” khỏi “đất vàng” Tây Hồ

(PLO) - Bằng 2 Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần có tại Dự án Phú Thượng DCS Tower cho các đối tác mới, Tập đoàn Đại Châu chính thức  “đánh bài chuồn” khỏi dự án này  khiến cổ đông phấp phỏm như “ngồi trên đống lửa”.
Dự án Phú Thượng DCS Tower đã được tập đoàn Đại Châu bán cho 2 đối tác mới từ ngày 7/4/2017

Rút vốn khỏi dự án có giá trị

Là cổ đông tại CTCP Tập đoàn Đại Châu (TĐ Đại Châu) và khi đang có ý định tiếp tục đầu tư thêm cổ phiếu của Tập đoàn này nhưng ông Lê Việt Tú đã phải tạm dừng lại để làm rõ một số thông tin được cho là không “lành mạnh” về  hoạt động kinh doanh của TĐ Đại Châu trong thời gian gần đây.  

Có trong tay hàng loạt bằng chứng, ông Tú cảm thấy bất bình khi lãnh đạo TĐ Đại Châu đã âm thầm chuyển nhượng toàn bộ Dự án Phú Thượng DCS Tower tại tổ 2 cụm 1 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (một dự án có giá trị đối với TĐ này-PV) thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần tại CTCP Đầu tư Phú Thượng – chủ đầu tư dự án cho các đối tác mới. Và thông tin vô cùng quan trọng này đã không được lãnh đạo Tập đoàn công khai, công bố theo quy định về công bố thông tin của Luật Chứng khoán. 

Cụ thể, theo ông Tú, dự án đã chuyển nhượng nhưng đến trong Báo cáo tài chính quý 2/2017 của TĐ Đại Châu vẫn thể hiện rằng TĐ Đại Châu vẫn đầu tư vào dự án này là 50 tỷ đồng.  Không những thế, nhiều dấu hiệu cho thấy việc chuyển nhượng Dự án Phú Thượng DCS Tower đã không được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Tập đoàn, không được báo cáo trung thực tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của TĐ Đại Châu. 

“Đồng thời với việc chuyển nhượng cổ phần tập đoàn còn chuyển nhượng luôn  90% khoản vay của CTCP Đầu tư Phú Thượng sang cho các đối tác mới một cách không minh bạch. Trong khi khoản vay này là khoản vay của ông Đường Đức Hóa, Tổng Giám đốc  Tập đoàn với một cá nhân khác và hiện nay ông Hóa đang bị cá nhân này khởi kiện tại TAND TP Hà Nội. Vậy, có hay không sự chuyển giao bất hợp pháp nghĩa vụ cá nhân của ông Hóa cho Công ty “gánh chịu” và việc này có gây thất thoát tiền đầu tư của các cổ đông công ty?”- ông Tú lo lắng. 

Không trung thực với cổ đông

Theo tìm hiểu, dự án Phú Thượng DCS Tower được TĐ Đại Châu lên kế hoạch xây dựng từ năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án mới được TP Hà Nội cấp phép đầu tư và phải đến năm 2015 mới bắt đầu được khởi công. 

Theo thiết kế, dự án Phú Thượng DCS Tower có tên đầy đủ là Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ để bán, có tổng diện tích xây dựng gần 32.000 m2, quy mô 21 tầng, cung cấp 236 căn hộ. Theo báo cáo ngày 14/4/2017 của Hội đồng quản trị (HĐQT) TĐ Đại Châu, từ quý IV/2016, đã khởi công xây dựng dự án Phú Thượng DCS Tower và đến hết tháng 3/2017 mới xây dựng xong phần cọc, móng. 

Ban đầu, theo ước tính của Tập đoàn này, mức lợi nhuận của dự án có thể đạt được từ 5-10% giá trị đầu tư. Mức giá bán dự tính của công ty với dự án này là 26 triệu đồng/m2 (đối với căn hộ chưa có nội thất) và 32 triệu đồng/m2 (đối với căn hộ đầy đủ nội thất).  

Nhưng vào lúc những tính toán lợi nhuận “thăng hoa” nhất thì cổ đông Tập đoàn này bất ngờ phát hiện dự án đã được Chủ tịch HĐQT TĐ Đại Châu Dương Đức Hóa âm thầm chuyển nhượng 500.000 cổ phần mà Tập đoàn này đang sở hữu tại Dự án Phú Thượng DCS Tower cho 2 nhà đầu tư thứ cấp là CTCP Lạc Hồng và CTCP Đầu tư và Quản lý bất động sản G5. 

Nếu như CTCP Đầu tư và Quản lý bất động sản G5 được Chủ tịch HĐQT TĐ Đại Châu bán cho 50.000 cổ phần, chiếm 05% vốn điều lệ thì CTCP Đầu tư Lạc Hồng lại được nhận chuyển nhượng tới 450.000 cổ phần, chiếm 45% vốn điều lệ của CTCP Phú Thượng (chủ đầu tư dự án DCS Tower) .  

Như vậy, bằng 2 Hợp đồng chuyển nhượng nói trên, TĐ Đại Châu đã chính thức “tháo chạy” khỏi dự án này.  Trao đổi với Báo PLVN, ông Nguyễn Đức Năng, Phó Tổng Giám đốc TĐ Đại Châu xác nhận việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP Đầu tư Phú Thượng sang cho đối tác khác. 

Nhưng ông Năng biện bạch rằng “chủ trương” thoái vốn đã được thông qua ĐHĐCĐ của Tập đoàn 2017. “Hôm ĐHĐCĐ có công bố chủ trương công ty sẽ chuyển nhượng dự án Phú Thượng này vì Công ty không đủ khả năng để duy trì xây dựng. Và chủ trương này đã được ĐHĐCĐ thông qua và còn thể hiện tại các biên bản, nghị quyết đại hội”- ông Năng nói. 

Nhưng theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, cả hai Hợp đồng chuyển nhượng cho đối tác đều được ông Hóa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Châu ký vào thời điểm ngày 7/4/2017. Và 7 ngày sau (tức ngày 14/7/2017), ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Tập đoàn này mới diễn ra. Nhưng trong các báo cáo của Ban kiểm soát, của HĐQT đều không có dòng nào đề cập đến các hợp đồng chuyển nhượng nói trên. 

Thậm chí, trong quá trình tiến hành ĐHĐCĐ, khi cổ đông đề nghị Chủ tịch HĐQT cho biết đầu tư vốn, hướng giải quyết và kết quả dự án Phú Thượng DCS Tower, ông Dương Đức Hóa vẫn giấu giếm cổ đông khi đề cập công ty có hướng giải quyết sẽ thoái vốn cho nhà thứ cấp, trong khi trên thực tế việc chuyển nhượng đã được ông Hóa đặt bút ký xong xuôi, đã nhận đặt cọc hàng chục tỷ đồng từ đối tác trước đó cả tuần lễ (?!)

Cổ phiếu TĐ Đại Châu không mua nổi cốc nước chè

Hoạt động của TĐ Đại Châu gặp khó khăn trong những năm gần đây, giá cổ phiếu DN này cũng đang giảm sâu khi chỉ còn khoảng 2.600 đồng/cổ phiếu (mệnh giá phát hành là 10.000 đồng). Ông Nguyễn Đức Năng, Phó Tổng Giám đốc TĐ Đại Châu thừa nhận giá cổ phiếu của TĐ Đại Châu bây giờ không mua nổi một cốc nước chè bán ở vỉa hè Hà Nội theo giá thành hiện nay.

Đọc thêm