Chấp nhận bán “cắt lỗ”
Hiện nay, tại Hà Nội có khá nhiều dự án chung cư đang được xây dựng. Do vậy, nguồn cung hàng trên thị trường khá dồi dào. Ngoài ra, nhiều dự án chung cư từ các năm trước đến nay vẫn chưa được các nhà đầu tư thứ cấp bán hết. Đây là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua vào từ một đến vài căn chung cư, đợi tăng giá sau đó bán lại hưởng chênh lệch. Có hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp như vậy nên lượng chung cư bán ra từ các dự án đã hoàn thiện từ những năm trước là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ít người mua nhà nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp buộc phải bán cắt lỗ. Chị Thanh Huyền ở Hà Nội là một nhà đầu tư thứ cấp cho biết, đầu năm ngoái, ngoài số vốn tự có, chị vay thêm ngân hàng để đầu tư một căn hộ tại chung cư Eco Dream (đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) với giá khi mua khoảng 2,2 tỷ đồng. Không may sau đó dịch Covid-19 ập đến nên chị không bán được căn hộ. Đến tháng 8 vừa qua, sau khi đã bán thấp hơn giá mua 50 triệu chị mới đẩy được hàng.
Một nhà đầu tư khác mua chung cư 100m2 tại dự án Roman Plaza trên đường Tố Hữu (Hà Đông), với giá khoảng hơn 3 tỷ đồng nhưng nay khi rao bán chỉ dám ra giá 2,6 tỷ đồng. Một dự án khác tại Mỹ Đình, chủ nhà đã đầu tư mua hết 2,8 tỷ đồng và làm nội thất 300 triệu đồng. Tuy rao bán từ năm ngoái nhưng đến giờ chủ hộ vẫn chưa thể bán được. Vì cần tiền nên chủ nhà quyết định giảm giá xuống 2,6 tỷ đồng (giảm 200 triệu đồng so với giá mua) nhưng hiện vẫn chờ khách.
Các nhà đầu tư thứ cấp giảm giá bán, trong khi tại nhiều dự án mới, chủ đầu tư có nhiều chính sách khuyến mại để hút khách như chương trình “Mua nhà ngay - Nhận vàng liền tay”. Khách hàng mua căn hộ sẽ được tặng 1 năm phí dịch vụ quản lý, cùng cơ hội nhận một cây vàng AJC 9999… Dù vậy, nhìn chung thị trường chung cư tại Hà Nội vẫn đang trầm lắng, nhất là trong tháng Ngâu, các giao dịch trên thị trường bất động sản lại càng thêm khó khăn hơn.
Môi giới bất động sản vẫn lao đao
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, 100% các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh vì không có sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư. Điều này khiến hàng nghìn môi giới không chỉ rơi vào tình trạng phải chuyển nghề, thậm chí mất "kế sinh nhai".
Chị Lan Hương (Hà Nội), trước đây làm nhân viên kinh doanh tại Đất Xanh Miền Bắc cho biết, hồi đầu năm dịch Covid-19 mới xuất hiện, ai cũng nghĩ BĐS sẽ không ảnh hưởng nhiều vì người mua nhà đã có kế hoạch tài chính từ trước. Nhưng không ngờ, sau đó thời gian dịch bệnh kéo dài, khiến nhiều người có kế hoạch mua nhà phải hoãn lại, ít người quan tâm, tìm hiểu mua chung cư. “Từ nhân viên môi giới BĐS, tôi phải chuyển sang công việc khác làm làm nhân viên kinh doanh cho một công ty bán xe ô tô, xe nâng”, chị Hương chia sẻ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm nay, có 927 doanh nghiệp kinh doanh BĐS tạm dừng kinh doanh. Còn theo Hiệp hội môi giới BĐS, trong 2 quý đầu năm có đến hơn 800 sàn giao dịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Như vậy, với gần một nghìn doanh nghiệp BĐS tạm dừng hoạt động sẽ có tới cả chục nghìn người lao động mất việc theo.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù còn khó khăn nhưng thị trường BĐS vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại BĐS nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn. Đặc biệt, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS.
Chuyên gia tài chính - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường BĐS đang bị rơi vào trạng thái “hôn mê”, khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào tăng trưởng của nền kinh tế và hành động chính sách từ Chính phủ. Cũng theo ông Nghĩa, trong đó, một số phân khúc cơ bản như BĐS công nghiệp, nhà ở giá rẻ, đất nền, chung cư cao cấp, shop house có thể phục hồi sớm ngay sau khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Các phân khúc khác như văn phòng, BĐS nghỉ dưỡng có thể phục hồi chậm hơn.