Trước khi xét xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội và VKS TP Hà Nội cùng với hai đương sự trong vụ kiện này đã thực hiện xem xét, thẩm định tại chỗ đối với công trình tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư được xây dựng tại lô đất số 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hiện trạng được ghi nhận hiện nay là toàn bộ công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm khối văn phòng 7 tầng và 2 khối nhà chung cư cao cấp. Theo ghi nhận của Báo Pháp luật Việt Nam, nhiều khách hàng mua chung cư cũng đã dọn về tòa nhà này để sinh sống. Công ty Tân Hồng Hà, đơn vị xây dựng và hiện đang quản lý dự án này cũng đã chuyển văn phòng giao dịch về tầng 5 của tòa nhà.
Đại diện Công ty Tân Hồng Hà cho biết, dự án này được thực hiện theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Tân Hồng Hà và Công ty ICC. Trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh tranh chấp do việc Công ty ICC có văn bản gửi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đề nghị không cấp chấp thuận đầu tư cho Công ty Tân Hồng Hà như đề nghị của “liên danh” này khiến cho Công ty Tân Hồng Hà phải khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc Công ty ICC phải nghiêm túc thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư.
Công ty Tân Hồng Hà cũng cho biết thêm, trong quá trình phát sinh tranh chấp, Công ty Tân Hồng Hà vẫn bỏ tiền đầu tư, xây dựng dự án và cho đến nay, dự án đã hoàn thành nên thực tế này cho thấy Công ty không vi phạm hợp đồng. Do đó, việc công nhận hợp đồng và buộc Công ty ICC nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận như bản án sơ thẩm đã tuyên là biện pháp duy nhất để bảo vệ quyền lợi của cả hai doanh nghiệp, cũng như quyền lợi của khách hàng mua căn hộ.
Theo hồ sơ, Dự án khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở tại số 317 Trường Chinh được UBND quận Thanh Xuân chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty ICC từ năm 2012. Ngày 20/7/2015, Công ty ICC ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tân Hồng Hà để thực hiện dự án. Lý do của việc hợp tác này xuất phát từ việc Công ty ICC không đủ khả năng để tự thực hiện dự án nên phải hợp tác và kêu gọi đầu tư từ Công ty Tân Hồng Hà.
Theo hợp đồng hợp tác và các phụ lục hợp đồng mà hai bên ký kết ngày 20/7/2015, thì Công ty ICC đồng ý để Công ty Tân Hồng Hà thay mặt tiếp tục thực hiện dự án cho đến khi dự án hoàn thành và đi vào khai thác. Công ty ICC cũng giao cho Tân Hồng Hà làm tổng thầu xây dựng dự án. Công ty Tân Hồng Hà phải bỏ vốn đầu tư cho đến khi dự án hoàn thành và đi vào khai thác.
Trong thỏa thuận hợp tác đầu tư, quyền lợi của hai công ty cũng đã được phân định khá rõ ràng. Theo đó, Công ty ICC được nhận khối nhà văn phòng 7 tầng trị giá 37 tỷ đồng và số tiền mặt khoảng 107 tỷ đồng. Theo trình bày của Công ty Tân Hồng Hà, khối nhà văn phòng 7 tầng đã hoàn thành việc xây dựng và có thể sử dụng. Công ty cũng đã chuyển cho Công ty ICC số tiền 58 tỷ đồng. Theo thỏa thuận thì khoản tiền còn lại mà Công ty Tân Hồng Hà phải chuyển cho Công ty ICC là 46 tỷ đồng.
|
Phối cảnh Dự án khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở tại số 317 Trường Chinh |
Để thực hiện thỏa thuận này, Công ty ICC ủy quyền cho Công ty Tân Hồng Hà làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ dự án; triển khai xây dựng các công trình thuộc dự án và có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng để Công ty Tân Hồng Hà là đồng chủ đầu tư dự án này.
Ngoài ra, ngày 12/4/2017 và 29/5/2017, hai công ty cũng đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh chủ đầu tư dự án. Theo đó, hai công ty cùng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư cho cả hai công ty là chủ đầu tư dự án Siêu thị, văn phòng giao dịch và nhà ở 317 Trường Chinh. Trên cơ sở ý kiến của hai doanh nghiệp hợp tác thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến các Sở liên quan và UBND quận Thanh Xuân để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Tuy nhiên, không lâu sau đó Công ty ICC bất ngờ hủy giao kèo bằng việc gửi văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu không thay đổi chủ trương đầu tư để Công ty Tân Hồng Hà không được làm “đồng chủ đầu tư”. Song, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, văn bản này của Công ty ICC không do người đại diện theo pháp luật của Công ty ICC ký.
Do việc đòi hủy hợp đồng của Công ty ICC dẫn đến việc Công ty Tân Hồng Hà gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, Công ty Tân Hồng Hà vẫn tiếp tục thực hiện dự án và đến nay, dự án 317 Trường Chinh đã hoàn tất việc xây dựng, đã có thể đi vào khai thác.
Theo bản án số 16/2018/KDTM-ST ngày 26/11/2018 của TAND quận Ba Đình nhận định, dự án 317 Trường Chinh đang được Công ty Tân Hồng Hà triển khai đạt 95% dự án (thời điểm xử sơ thẩm) và cho tới nay chưa có cơ quan nhà nước nào yêu cầu dừng dự án nên việc hợp tác vẫn đang được thực hiện. Do đó, Công ty ICC phải có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận, cam kết mà hai bên đã ký trong hợp đồng và các phụ lục liên quan.
Từ nhận định trên, TAND quận Ba Đình đã chấp nhận khởi kiện của Tân Hồng Hà, buộc Công ty ICC phải tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 20/7/2015 và các phụ lục đã ký. Hai công ty có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề hoàn tất thủ tục về chủ trương đầu tư để Tân Hồng Hà là đồng chủ đầu tư dự án.
Việc Tòa án sớm ra bản án “chung kết” vụ việc là cần thiết để giải quyết tình trạng pháp lý của dự án này. Theo đó, doanh nghiệp thực tế đầu tư và quản lý Dự án là Công ty Tân Hồng Hà, thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản chính thức công nhân chủ đầu tư cho công ty này dẫn đến việc quản lý, sử dụng, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc.
Trong khi đó, Công ty ICC được cấp chấp thuận đầu tư thì lại không phải là doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và quản lý dự án. Do vậy, để chấm dứt tình trạng “hồn Chương Ba, da Hàng thịt” đối với dự án này thì việc chính thức thừa nhận doanh nghiệp thực sự đầu tư là việc cần phải làm sớm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật.