Thống kê 10 ngân hàng lớn của Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính quý III/2016 gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, VPbank và Eximbank cho thấy, có 6/10 ngân hàng tăng chi phí rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, với tổng chi phí trích lập dự phòng trong quý đạt hơn 7.994 tỷ đồng, tăng tới 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức trích lập này lại giảm 16% so với quý II.
BIDV là một trong những ngân hàng tăng trích lập dự phòng mạnh nhất trong nhóm khảo sát với việc tăng tới 396% so với cùng kỳ năm ngoái (từ hơn 499 tỷ đồng lên hơn 2.478 tỷ đồng). Điều này khiến cho lợi nhuận thuần của ngân hàng dù tăng tới 68,3%, đạt hơn 4.908 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 2.430 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5 so với quý III/2015.
Tính chung 9 tháng, BIDV phải trích lập hơn 6.972 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn 5.758 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% dù lợi nhuận thuần tăng tới 34% so với cùng kỳ.
VIB cũng nằm trong top các ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng. Báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm đạt hơn 940 tỷ đồng, tăng 25,9%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng tới hơn 41% so với cùng kỳ, lên gần 532 tỷ đồng đã khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn hơn 408 tỷ đồng, tăng nhẹ 10,4% so với cùng kỳ.
Tương tự, ngân hàng SHB cũng dành tới gần 245 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng, tăng 76,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, mức trích lập lên hơn 482 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ và chiếm gần 38% tổng lợi nhuận thuần.
|
Mặc dù trích lập dự phòng của các ngân hàng tăng khá mạnh nhưng một điều đáng mừng là lợi nhuận của hầu hết các nhà băng đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của BizLIVE, 9/10 ngân hàng khảo sát đều có lợi nhuận trước thuế quý III/2016 tăng trưởng so với cùng kỳ, duy chỉ có Sacombank báo lợi nhuận giảm 69,6% do thu nhập lãi thuần giảm mạnh trong khi chi phí hoạt động lại tăng.
Bức tranh lợi nhuận sẽ sáng hơn?
Trao đổi trong buổi hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính năm 2016” diễn ra mới đây, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, lợi nhuận cũng như cổ tức ngân hàng 5 năm trở lại đây rất thấp là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao, đặc biệt là trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu cũ.
|
Tuy nhiên, trong 5 năm, các ngân hàng cũng đã trích lập tương đối nhiều, và trích lập đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là năm nay lợi nhuận chung của ngân hàng bật tăng trở lại, tăng khoảng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng dù đã phải trừ đi 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một bức tranh lợi nhuận sáng sủa hơn của các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng những nguồn lực tài chính tổng hợp nhà nước để xử lý một vấn đề tồn đọng rất lớn đó là nợ xấu.
Đặc trưng năm 2016 là chúng ta đã dùng VAMC ít hơn vào khoảng 20%, còn lại 80% là tự các TCTD xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, nợ xấu vẫn còn là vấn đề rất nhức nhối. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách tính đến thời điểm này vào khoảng 2,8% đến 2,9% nhưng nợ xấu bán cho VAMC vẫn còn đang gặp khó khăn và tìm cách tháo gỡ chiếm khoảng 4,4% trên dư nợ tín dụng. Cùng với đó, IMF cũng nhận định rằng “có một vài tài sản khá nhức đầu” trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng bao nhiêu cần phân loại đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn để có phương hướng xử lý và giải quyết.