Nhờ đồng vốn chính sách, khoảng cách giàu nghèo đang được thu nhỏ, mang lại sự tự tin cho những hộ nghèo. Chuyện diễn ra ở huyện Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ.
|
Chị Nguyễn Thị Anh Hạnh (người ngồi) giới thiệu mẫu may mới với Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Kim Quan Lê Thị Khai |
Không chỉ là vốn, đó là sự quan tâm của cộng đồng
Nghĩ lại những ngày tháng khó khăn cách đây 16 năm, chị Nguyễn Thị Anh Hạnh (thôn Kim Quan, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) rớt nước mắt. Chồng mất từ năm 2001, con mới được 3 tuổi, bao vốn liếng đi theo bệnh tật của chồng. Ở vùng ven thủ đô Hà Nội, lại có bệnh phải thường xuyên dùng thuốc, hai triệu bạc lương công nhân may không đủ sống, có lúc chị phải rửa bát thuê để kiếm sống. “Nhà tôi hộ nghèo từ năm chồng tôi mất, khi đó nhiều lúc tôi cảm thấy bế tắc”, chị Hạnh chia sẻ.
Năm 2010, được sự động viên của Hội Phụ nữ, chị Hạnh vay vốn NHCSXH để mua máy may và chăn nuôi gia cầm. “Nhà tôi mới thoát nghèo năm 2016, do sự giúp đỡ của NHCSXH và Hội phụ nữ ở địa phương. Tôi vay vốn 25 triệu chăn nuôi và mua máy khâu. Năm rồi nuôi được tầm 100 con ngan, gà, tôi cứ quay vòng, hết lứa này lại nuôi, trừ hết đi còn mười mấy 20 triệu, thu nhập làm may của em được 5-6 triệu/tháng” – chị cho biết.
Bây giờ, chị Hạnh với nghề may và chăn nuôi, đã có thể mỉm cười chờ cô con gái học cao đẳng dược vài năm nữa ra trường đỡ đần mẹ. “Sắp tới, tôi sẽ vay tiếp 50 triệu từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để mở rộng chăn nuôi. Tôi sẽ làm việc bằng hai bằng ba, làm cho đồng vốn ưu đãi sinh sôi, nảy nở như đàn ngan, gà. Đó là cách tôi tri ân NHCSXH và những người đã từng chia ngọt sẻ bùi với mẹ con tôi trong những năm qua” - chị Hạnh quả quyết.
Cán bộ Chi hội Phụ nữ thôn Kim Quan cũng vui vì giúp được một hội viên có công ăn việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo bà Lê Thị Khai - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Kim Quan, trong Tổ Tiết kiệm và vay vốn do Hội phụ nữ quản lý, hiện tại có 41 hội viên đang vay vốn của NHCSXH: “Đa số chị em chăn nuôi và kinh doanh, có xưởng máy may, mở cửa hàng dịch vụ ăn uống, đầu tư vào dịch vụ giống cây trồng. Tôi làm ở tổ 9 năm, trước đây bắt đầu làm có 7 hộ nghèo, giờ chỉ còn 3 hộ”.
Trăn trở của người mang vốn chính sách đến cho bà con
Nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của Nhà nước thông qua NHCSXH đã giúp nhiều chị em phụ nữ tự tạo được việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Bà Đào Thị Hương - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Viên - cho biết, trong số các chương trình tín dụng ưu đãi hội đang quản lý, dư nợ cho vay giải quyết việc làm là cao nhất: “Ở xã có 2 làng nghề trồng rau cải xanh và bún bánh, các hộ có nhu cầu vay vốn nhiều. Giải quyết việc làm dư nợ 1 tỷ 985 triệu cho 76 hộ vay, có hộ vay 20 triệu, 25 triệu, 30 triệu”.
Cũng như xã Yên Viên, tại 21 xã, thị trấn còn lại của huyện Gia Lâm, nhu cầu về việc làm và vay vốn để tạo việc làm của người dân là rất lớn. Ông Đặng Văn Lâm - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Gia Lâm - cho biết, với các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, may mặc Ninh Hiệp, đồ giả da, quỳ vàng Kiêu Kị, tính ra, nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người dân. Tính đến hết năm 2016, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Gia Lâm là trên 63 tỷ đồng, trong khi chương trình hộ nghèo chỉ có gần 4,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo là trên 50 tỷ 200 triệu đồng.
Hơn 2 năm sau ngày Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách chính thức được ban hành, Hà Nội đã chủ động tạo lập nguồn vốn tín dụng chính sách đặc thù từ ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, cung vẫn chưa đủ cho cầu. Đơn cử như Gia Lâm, nguồn ngân sách huyện dành cho chương trình đạt 5.530 tỷ đồng và tiếp tục được đề xuất bổ sung từ 300 triệu lên 500 triệu đồng từ cuối năm 2016. Song, con số này chỉ như muối bỏ bể do hàng năm nhu cầu giải quyết việc làm cho người dân tăng cao, lên tới 8.000 việc làm.
“Cụ thể như mô hình trồng rau an toàn của xã Yên Viên đang phát triển tốt, sản phẩm được đưa vào các sàn giao dịch nông sản an toàn của thành phố. Chỉ riêng mô hình này thôi, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất của bà con cũng lên tới hàng tỷ đồng’’ - ông Đặng Văn Lâm ước tính.
Thụ hưởng chính sách cho vay để giải quyết việc làm, cộng với được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ dân ở vùng ven thủ đô đang tự tạo việc làm, có thu nhập. Mong mỏi của bà con nơi đây là làm sao, ngày càng có thêm nhiều vốn lãi suất thấp để bà con mở rộng sản xuất, chăn nuôi và nâng cao thu nhập, tự tin ổn định cuộc sống.