Hơn 20 khách hàng đã gửi tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng tại Oceanbank Chi nhánh Hải Phòng và phát hiện số tiền 400 tỉ đồng “bốc hơi” hồi năm ngoái khi đi tất toán. Khách hàng được thông báo số tiền họ gửi “không có trên hệ thống”. Lý giải cho điều này, Oceanbank đưa ra thông báo “sổ tiết kiệm và thông số trên hệ thống ngân hàng có sự sai lệch, không ăn khớp với nhau; số seri sổ tiết kiệm thì có, nhưng người gửi là một người khác và số tiền hoàn toàn khác”…
Sau khi sự việc xảy ra, khách hàng đã nhiều lần đề nghị Ban kiểm soát đặc biệt của Oceanbank làm việc để bàn về phương án trả lại tiền, đồng thời liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu.
Trong buổi đối thoại hiếm hoi với khách hàng, Tổng Giám đốc Oceanbank lắng nghe những nguyện vọng của khách hàng: “Chúng tôi đã tin tưởng, đã hy vọng, đã chờ đợi để mong nhận được câu trả lời thích đáng từ phía hội sở, thế nhưng càng hy vọng bao nhiêu lại càng bẽ bàng bấy nhiêu”, một khách hàng cay đắng.
Được biết, ngày 14/8 vừa qua, hơn 20 khách hàng đã đến trụ sở Oceanbank Chi nhánh Hải Phòng để yêu cầu được giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Tại đây, ông Nguyễn Hoài Phương- Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Oceanbank tại Hải Phòng cũng không giúp được gì ngoài việc lắng nghe ý kiến của khách hàng và lời hứa sẽ phản hồi lại với lãnh đạo cấp trên.
Hôm sau (15/8), những người trên lại kéo đến Chi nhánh Oceanbank tại Hải Dương để mong tìm được câu trả lời thích đáng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tiếng đồng hồ chờ đợi, qua rất nhiều đàm thoại, lời giải thích của Giám đốc Chi nhánh Đỗ Ngọc Sơn cũng như nhân viên vẫn là “có sự sai lệch thông tin giữa sổ tiết kiệm và dữ liệu trên hệ thống ngân hàng”.
Sau khi khách hàng yêu cầu nói rõ sự sai lệch trên, ông Đỗ Ngọc Sơn đưa ra một văn bản của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, có nội dung: “Để phục vụ công tác xác minh điều tra, ngân hàng được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ tài liệu, dữ liệu hệ thống của các giao dịch liên quan đến vụ án…” để từ chối cung cấp thông tin. Khi khách hàng yêu cầu được gặp Ban kiểm soát tối cao để làm việc thì được thông báo lãnh đạo đi vắng và hẹn trong tuần tới nhưng không rõ ngày. Theo đó, trước yêu cầu của khách hàng, ông Sơn đã phải làm một biên bản làm việc hẹn trong khoảng từ ngày 20 đến 24/8.
Các khách hàng cho biết, thực tế, khi gửi tiết kiệm thì họ là khách sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Họ vẫn đang nắm giữ sổ tiết kiệm chưa tất toán thì đương nhiên vẫn còn nguyên giá trị pháp lý để rút tiền. Còn việc tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất đó là trách nhiệm của ngân hàng: “Chúng tôi chỉ căn cứ vào hợp đồng mở và sử dụng tài khoản, thẻ tiết kiệm mà yêu cầu ngân hàng trả tiền gốc, lãi và bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc chậm trả, ngoài ra chúng tôi không biết đến bất cứ một vấn đề nào khác”, một khách hàng lên tiếng.
Một chuyên gia pháp lý nêu quan điểm, theo khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: “Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật” và Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định các ngân hàng và tổ chức tín dụng có “Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng”. Do đó, ngân hàng phải có trách nhiệm đối với số tiền gửi của khách hàng.
Vẫn theo chuyên gia trên, một số người như bà Trần Thị Kim Chi, Nguyễn Thị Minh Huệ và ông Lê Vương Hoàng chỉ là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giao dịch với khách hàng. Mối quan hệ giữa 20 khách hàng và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi. Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Thuộm (Cty luật Bạch Đằng Giang – Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) cho biết: Nếu ngân hàng không thanh toán thì khách hàng có thể khởi kiện để yêu cầu ngân hàng trả tiền lãi, tiền gốc và bồi thường thiệt hại. Trong quá trình khởi kiện, khách hàng có thể yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ngân hàng phải trả cho mình trước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà ngân hàng đang giữ để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Trong trường hợp ngân hàng cố tình đưa vấn đề hình sự vào nhằm kéo dài vụ án thì khách hàng có thể yêu cầu tòa án tách phần hình sự để giải quyết sau. Bởi việc giải quyết vấn hình sự không ảnh hưởng đến vấn đề dân sự.