Vườn bếp là gì?
Vườn bếp - hay còn gọi là potager, được coi như một không gian tách biệt với phần còn lại của khu vườn cảnh quan trong nhà. Hầu hết các vườn bếp là phiên bản thu nhỏ của các mảnh đất trồng cây cũ, hoặc đơn giản là một sự phân bổ đi kèm với vị trí khu vườn nằm trên khu đất cảnh quan gắn liền với nhà.
Như những khu vườn khác, vườn bếp không chỉ là một thửa đất trồng rau khiêm tốn hay một góc trồng các cây theo mùa. Vườn bếp có thể là nơi cung cấp nguồn thảo mộc, rau củ, trái cây cho gia chủ, với bố trí cảnh quan sinh động, cùng sự kết hợp đa dạng giữa các cây trồng thường niên và lâu năm. Tùy vào nhu cầu và mục đích sử dụng, có thể kể ra hai loại vườn bếp phổ biến: vườn rau và vườn thảo mộc; từ đó, ta có những tiêu chuẩn cơ bản để thiết lập yếu tố tự nhiên trong vườn cũng như lựa chọn cây trồng khác nhau phù hợp cho từng loại.
Vườn rau, chính xác là một hình thức trồng rau quy mô nhỏ. Với sự phổ biến của xu hướng thực phẩm hữu cơ và lối sống bền vững hiện nay, việc sở hữu một vườn rau giống như có thêm cơ sở bổ sung cho chế độ ăn uống của gia đình bạn. Thực phẩm được trồng ở vườn nhà đa phần tiêu tốn rất ít nhiêu liệu, cũng như chi phí chăm bón bảo trì, vận chuyển.
Vườn thảo mộc là một không gian đặc biệt trong vườn, dành để trồng một nhóm cây cụ thể: sử dụng như thức tạo hương vị trong nấu nướng; cung cấp mùi hương, ngăn ngừa sâu bệnh; hoặc vườn dược lý, phục vụ mục đích y học. Khác với những suy nghĩ thông thường, ngoài việc trồng hoàn toàn cây chức năng, vườn cũng có thể trồng kết hợp pha trộn giữa cây chức năng và cây cảnh, được chăm chút cắt tỉa thường xuyên.
Các yếu tố trong thiết kế vườn bếp
Vườn bếp thường được bố trí cạnh nhà, gần khu vực bếp, liên kết với lối ra phía sau nhà, nhằm mục đích thuận tiện khi di chuyển ra vào lúc chăm sóc và thu hoạch, lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn, cũng như đảm bảo gần nguồn nước tưới tiêu. Ngày nay, với sự chăm sóc tỉ mẩn, cùng ý tưởng trồng kết hợp giữa các loại rau củ, thảo mộc xem lẫn các loại hoa một cách hài hòa, vườn vẫn có thể được đặt ở sân trước, tiếp nối theo lối đi quanh nhà, mang đến cảm giác tiếp cận thân thiện, cũng như trải nghiệm hài hòa tự nhiên nhất.
Các bước đầu tiên ta cần lưu ý đến điều kiện tự nhiên của vị trí làm vườn, khi thiết kế một khu vườn bếp như mong đợi. Chọn vị trí nhận được nhiều nắng, với số giờ nắng trực tiếp ít nhất 5-6 giờ một ngày, đặc biệt là khoảng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Thông thường là vị trí phía nam, hoặc tây nam, đông nam của nhà.
Luôn đảm bảo đất vườn được bổ sung dinh dưỡng với phân hữu cơ. Khuyến kích thực hành bền vững, với việc nuôi đất từ các vụ trồng luân canh cũng như bón phân với rác hữu cơ từ nhà bếp. Một vườn bếp hoàn thiện luôn có các yếu tố cơ bản gồm - lối đi, ô trồng rau và các loại cây trồng. Độ rộng tối thiểu để lưu thông thoải mái trong khuôn viên vườn là 750mm. Nên đảm bảo vật liệu lối đi đủ an toàn khi di chuyển trong vườn cũng như thực hiện công tác thu hoạch, chăm sóc rau vào mùa mưa. Vật liệu thường được sử dụng đa dạng như sỏi, gạch nung, đá bước dặm băm mặt…
Ở vường thông thường, ô trồng rau cơ bản rộng từ 1,2 đến 2,4m với độ đắp đất cao khoảng 15cm. Thành mỗi ô trồng thường được làm bằng gỗ, gạch, kim loại… nhằm giữ đất. Ngoài ra ta cũng có thể chia từng ô mà không cần tạo các thành cao. Một ô được chia nhỏ, trồng một hoặc hai loại cây, hoặc cũng có thể được chia thành các hàng (luống) và trồng nhiều loại rau ở mỗi hàng khác nhau.
Đa dạng hóa các loại cây trồng
Trồng kết hợp các nhóm cây rau, thảo mộc và hoa để tạo sự phong phú cũng như giúp đẩy lùi sâu, bệnh hại cho cây trồng. Ta có thể tạo điểm nhấn cho khu vườn bằng các dàn dây leo, rũ hoặc các loại cây có hương thơm. Sử dụng các loại cây lâu năm trồng hàng rào hoặc điểm tạo bóng mát cho các cây chịu bóng một phần. Các loại hành, rau thơm thường có màu sắc nổi bật, cũng như mùi hương dễ chịu, sử dụng trồng viền sẽ tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa màu xanh của rau cùng các màu đối lập, góp phần tăng tính thẩm mỹ cho khu vườn. Dưới đây là một vài gợi ý về các mô hình trồng vườn bếp có thể ứng dụng cho ngôi nhà nhỏ của bạn, cùng thử xem!
Trồng trên ô/thửa có thể nói là là kiểu trồng phổ thông và quen thuộc nhất. Các cây trồng trong luống có thể có khung hoặc không, tùy loại cây trồng. Việc phối hợp các loại cây khác nhau trên mặt bằng tạo nên một hệ sinh thái đa dạng sinh học sống động.
Sử dụng dàn leo cũng là một phương pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng. Với các khu vườn có diện tích nhỏ, việc sử dụng dàn leo vừa tiết kiệm không gian vừa mới lạ, với các kiểu dáng cũng như chất liệu đa dạng của các loại dàn: cột tre, cột gỗ, lưới kim loại, lưới khung gỗ, giàn hình chóp, hình vòm…
Hệ trồng cây aquabonic: mô hình trồng cây - nuôi cá tích hợp dựa trên nguyên tắc của hệ thống sản xuất tự nhiên - trong khi cây trồng giúp lọc sạch nguồn nước cho cá phát triển tốt nhất thì chất thải của cá chính là nguồn thức ăn hữu cơ quý giá cho cây trồng tăng trưởng an toàn. Với các hộ gia đình ở đô thị, không có nhiều quỹ đất để sử dụng làm vườn, vườn aquabonic là một lựa chọn phù hợp. Vừa tiết kiệm không gian, ít sử dụng đất, cũng như hạn chế sử dụng phân bón chăm sóc, nhờ sự tham gia của vi sinh vật có lợi được tạo ra trong hệ thống khép kín của đặc tính mô hình.
Hãy tưởng tượng một khu vườn xanh mát cùng các bông hoa nhiều màu sắc, và hương thơm dễ chịu từ các loài thảo mộc. Tạo một khu vườn cho bếp trong khuôn viên nhà, là một ý tưởng hữu dụng và gần gũi với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Càng cần thiết hơn trong bối cảnh dịch bệnh và đón đầu xu hướng thực phẩm hữu cơ kết hợp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong tương lai.
Bài: KTS Nguyễn Bảo Tiên Hoàng - Ảnh: TL