"Bẻ cong” sự thật khi xử lý vụ lừa chiếm nhà ở Bắc Ninh?

Sau khi báo PLVN phản ánh việc TAND TP Bắc Ninh thụ lý sai một phần vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây xôn xao dư luận của vợ chồng Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt (phường Ninh Xá TP Bắc Ninh) do CA tỉnh Bắc Ninh thụ lý, TAND TP Bắc Ninh tạm đình chỉ vụ án. Cơ quan CSĐT CA tỉnh Bắc Ninh mới có kết luận làm rõ hành vi lừa đảo nhưng vụ việc đang có dấu hiệu bị “bẻ cong”, không đúng sự thật.

Sau khi báo PLVN phản ánh việc TAND TP Bắc Ninh thụ lý sai một phần vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây xôn xao dư luận của vợ chồng Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Chí Việt (phường Ninh Xá TP Bắc Ninh) do CA tỉnh Bắc Ninh đang thụ lý, TAND TP Bắc Ninh tạm đình chỉ vụ án. Mới đây, cơ quan CSĐT CA tỉnh Bắc Ninh có kết luận làm rõ hành vi lừa đảo nhưng vụ việc đang có dấu hiệu bị “bẻ cong”, không đúng sự thật.

Kết luận điều tra và cáo trạng mâu thuẫn

Từ tháng 6/2010 đến tháng 7/2011 vợ chồng Tâm - Việt lừa đảo, chiếm đoạt của 6 người tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Vợ chồng này đã bán cho vợ chồng bà Vũ Thị Minh Hiền (ở phường Vệ An, TP Bắc Ninh) căn nhà số 68 đường Ngọc Hân Công Chúa với giá 3,8 tỷ đồng. Hai bên đã ký biên bản mua bán và bà Hiền đã sửa nhà, chuyển về ở từ tháng 9/2010. Ở được 1 năm thì bị vợ chồng bà Hoa, ông Tiến mang sổ đỏ đến đòi nhà. Sự việc vỡ lở, bà Tâm giải thích chỉ bán nhà cho bà Hiền, còn với bà Hoa chỉ là quan hệ thế chấp nhà vay tiền để làm ăn, sổ đỏ do vợ chồng bà Hoa tự làm, bà không biết.

Vợ chồng bà Hoa đã khởi kiện vụ án đòi nhà tại TAND TP Bắc Ninh và vụ án đã bị đình chỉ sau khi báo Pháp luật Việt Nam phản ánh Tòa án thụ lý phần việc của cơ quan điều tra, gây ảnh hưởng quyền lợi của bà Hiền. Sau đó, toàn bộ vụ việc tiếp tục được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.

Sau một năm điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ vợ chồng Tâm - Việt bán nhà cho bà Hiền, còn với vợ chồng bà Hoa không có việc bán nhà đất mà chỉ là lừa đảo tiền. Thời điểm bán cho bà Hiền là bán trước, hai bên đã giao nhận tiền sòng phẳng, nhưng thủ tục mua bán viết tay, chưa thông qua chính quyền địa phương hoặc công chứng; bà Hiền vì tin tưởng đã đưa lại sổ đỏ cho bà Tâm đi làm thủ tục sang tên nhưng bà Tâm không thực hiện. Do không có tiền trả nợ đã lấy sổ đỏ này đem thế chấp vay tiền của bà Hoa.

Kết luận điều tra cũng khẳng định, bà Hoa có được sổ đỏ đứng tên mình vì bà Tâm đã ký khống vào hợp đồng chuyển nhượng và bà Hoa tự ý đi làm thủ tục chuyển nhượng. “Như vậy, Tâm đã lừa dối bà Hoa chiếm đoạt số tiền 3 tỷ đồng”, kết luận cho hay.

Nhưng cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh lại hướng sự việc theo một diễn biến khác khi cho rằng Tâm có thỏa thuận chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Hoa. Tâm ký vào các hợp đồng chuyển nhượng rồi cùng chồng đến UBND phường Ninh Xá làm đơn xin xác nhận tình trạng thửa đất rồi giao cho ông Tiến để đem đi công chứng và làm các thủ tục chuyển nhượng theo qui định. Cáo trạng kết luận vợ chồng bà Hiền là bị hại trong vụ lừa đảo, chứ không phải vợ chồng bà Hoa.

Ai thực sự bị lừa?

Rõ ràng, trong vụ việc này, chưa có sự thống nhất giữa cơ quan điều tra và VKS trong việc xác định ai là người thực sự được Tâm - Việt bán nhà, ai là người bị Tâm - Việt lừa đảo. Việc xác định ai là bị hại hết sức quan trọng bởi liên quan đến quyền lợi về tài sản của họ. Đến thời điểm này, việc lấy lại số tiền bị lừa đảo rất khó vì tài sản của Tâm - Việt hiện không còn gì đáng kể.

Như bài trước chúng tôi đã phân tích, vụ việc này, nhiều chứng cứ cho thấy việc bán cho vợ chồng Hiền - Chiến là thực chất. Tiếp xúc với phóng viên, ông Việt đã khẳng định: “Trong quá trình làm ăn, vợ chồng tôi thường xuyên ký khống hợp đồng chuyển nhượng nhà đất để khi không trả được nợ thì chủ nợ cứ việc điền tên vào hợp đồng, coi như xiết nợ, nếu như trả được nợ thì giấy tờ mua bán đó được hủy bỏ”.

Còn bị can Tâm tại cơ quan điều tra cũng khẳng định không có ý định chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng ông Tiến mà thực chất là thế chấp để vay 3 tỷ đồng, sau đó sẽ trả nợ để lấy lại sổ đỏ trả cho vợ chồng bà Hiền.

Nhận định về vụ việc còn mâu thuẫn này, Luật sư Nguyễn Phượng, Cty luật Đại Việt cho rằng, xét về mốc thời gian, nhà đất này đã được bán cho ông Chiến, bà Hiền trước. Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất viết tay giữa ông Chiến, bà Hiền và ông Việt, bà Tâm mặc dù chưa làm đúng thủ tục theo quy định của pháp luật về việc công chứng, chứng thực nhưng đã được hai bên thừa nhận và không có bất cứ tranh chấp gì nên vẫn có giá trị để các bên tiếp tục tiến hành hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Hợp đồng này cũng chưa có bất cứ quyết định, bản án có hiệu lực nào tuyên vô hiệu do đó không thể khẳng định ông Chiến, bà Hiền là người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Việt, bà Tâm.

Nói về sự bất nhất giữa kết luận điều tra và cáo trạng, Đại tá Nguyễn Đăng Miêng, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, CA tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “VKS có quyền đánh giá theo quan điểm của họ nhưng trong vụ việc này chúng tôi đã điều tra đảm bảo tính khách quan. Sự không thống nhất này sẽ do tòa án quyết định khi xét xử”. Dư luận đang chờ phiên tòa sơ thẩm sắp tới làm rõ những mâu thuẫn nói trên, đảm bảo sự thật không bị bẻ cong.

Hà Linh

Đọc thêm