Đưa các ý tưởng thành chương trình hợp tác
Phát biểu bế mạc Hội nghị chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị WEF ASEAN đã thực sự là “ngày hội” giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc, nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), trong đó có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm, thực tiễn tốt, cũng như các ý tưởng, chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ mong muốn WEF thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để hiện thực hóa các ý tưởng, các sáng kiến thiết thực đã được các nhà lãnh đạo các nước ASEAN nêu tại Hội nghị thành các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể.
Về phía ASEAN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn khác biệt mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay. Vì vậy, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.
Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của cả quốc gia.
“Thông qua Hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam mong muốn cùng WEF thúc đẩy đối thoại và tăng cường quan hệ đối tác rộng mở vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng”, Phó Thủ tướng nói.
Đổi mới giáo dục để nắm bắt cơ hội CMCN 4.0
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ tham dự phiên thảo luận “Tương lai việc làm ở ASEAN”. Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều việc làm mới trong các ngành, nghề mới, đồng thời sẽ tác động đến các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, xây dựng… Trong thời đại CMCN 4.0, bên cạnh các kỹ năng của giáo dục STEM, cần chú trọng giáo dục toàn diện, các giá trị tinh thần, văn hóa…
Phó Thủ tướng chia sẻ điểm khác biệt của Việt Nam với các nước phát triển trong xử lý tác động của CMCN 4.0 đối với việc làm là phải xử lý, đồng thời việc làm mới tạo ra trong lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ và số lao động chuyển đổi từ lĩnh vực nông nghiệp (đang chiếm 38% hiện nay) sang lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong điều kiện công nghệ thông tin như hiện nay, việc học cũng phải đổi mới mạnh mẽ với mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ cho tới người già. “Mặc dù giáo dục phổ thông của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rất tốt nhưng chúng tôi thấy vẫn rất cần phải đổi mới và một trong những thứ đổi mới tôi cho rằng rất quan trọng ở đây là phải làm cho các em ngay từ thuở bé đã ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định trước và các em thay vì chỉ học một cách thụ động, vâng lời thì bây giờ phải nghĩ khác đi”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang thúc đẩy tư duy sáng tạo để chuẩn bị cho tương lai việc làm đang có nhiều biến động, đưa nền giáo dục của Việt Nam tiệm cận trình độ quốc tế, tạo ra các kho tri thức số hóa cho tất cả mọi lứa tuổi, mọi ngành, nghề, tăng cường ứng dụng các thiết bị di động trong giáo dục – đào tạo…