Belarus yêu cầu EU giải quyết vấn đề người di cư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhà lãnh đạo Belarus hôm thứ Hai đã chỉ trích mạnh mẽ Liên minh châu Âu vì họ từ chối tổ chức các cuộc đàm phán về dòng người di cư ở biên giới của nước này với Ba Lan.
Những người di cư tại một trung tâm hậu cần ở trạm kiểm soát Kuznitsa biên giới Belarus-Ba Lan gần Grodno, Belarus. Ảnh: BelTA (chụp ngày 19/11/2021)
Những người di cư tại một trung tâm hậu cần ở trạm kiểm soát Kuznitsa biên giới Belarus-Ba Lan gần Grodno, Belarus. Ảnh: BelTA (chụp ngày 19/11/2021)

Tổng thống Alexander Lukashenko kêu gọi Đức tiếp nhận khoảng 2.000 người di cư vẫn ở lại biên giới với Ba Lan và chỉ trích các quan chức EU vì từ chối đàm phán chấm dứt bế tắc.

“Chúng ta phải yêu cầu người Đức tiếp nhận họ”, ông Lukashenko nói tại một cuộc họp với các quan chức. Ông cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hứa với ông rằng EU sẽ giải quyết vấn đề này khi họ nói chuyện qua điện thoại vào đầu tháng này. Vì vậy, ông Lukashenko "vẫn đang đợi EU đưa ra phản hồi về 2.000 người tị nạn, nhưng "thậm chí còn không liên hệ với chúng tôi", ông Lukashenko nói.

Người phát ngôn EU Peter Stano cho biết khối đã "liên lạc với một số đối thoại viên người Belarus" và đang xem xét khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với các cơ quan Liên hợp quốc và các quan chức Belarus ở cấp độ chuyên gia kỹ thuật về cách giúp tạo điều kiện cho việc hồi hương của những người mắc kẹt ở Belarus.

EU đã cáo buộc Chính phủ của ông Lukashenko dàn dựng làn sóng di cư ở biên giới phía như một "cuộc tấn công hỗn hợp" để trả đũa các lệnh trừng phạt của khối đối với cuộc đàn áp của chính quyền Belarus đối với các cuộc biểu tình trong nước. Nhưng Belarus phủ nhận cáo buộc.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm thứ Hai một lần nữa tố cáo Chính phủ của ông Lukashenko “lạm dụng người di cư một cách hoài nghi”. Trong khi Ba Lan đang đẩy lùi những người di cư với tuyên bố "họ đang bảo vệ biên giới cho toàn bộ châu Âu" và đã nhận được những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ từ EU, NATO và Hoa Kỳ.

Một cộng đồng Hồi giáo địa phương đã chôn cất một người di cư Yemen Mustafa Mohammed Murshed Al-Raimi, ở Bohoniki, Ba Lan, hôm 21/11/2021. Đây là đám tang thứ hai mà các thành viên cộng đồng đã cử hành cho người di cư trong tuần qua. Ảnh: AP

Hôm thứ Hai, ông Lukashenko đã phản pháo lại các nhà chức trách Ba Lan, cáo buộc họ “cố gắng giải quyết các vấn đề bên trong và bên ngoài bằng cách gây áp lực lên Belarus và coi đó là thủ phạm cho các vấn đề của Ba Lan”.

Ông khẳng định những người di cư đã hướng về phía tây để tiếp cận người thân ở Đức và nhiều người cần được điều trị y tế. “Chúng tôi chưa đưa bất kỳ ai qua biên giới và chúng tôi sẽ không làm điều đó,” ông nói. “Những người đó đang tự mình đến đó. Chúng tôi không muốn có bất kỳ cuộc đối đầu nào ... nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ những người không may mắn đó nhiều nhất có thể".

Ít nhất một chục người di cư đã chết trong các khu rừng gần biên giới. Những người khác đã từ bỏ hy vọng đến châu Âu và được đưa trở lại Trung Đông.

Các tổ chức nhân đạo và Giáo hội Công giáo La Mã có ảnh hưởng của Ba Lan đã thúc giục được phép cung cấp viện trợ cho những người di cư mắc kẹt và các tổ chức phi chính phủ ở Ba Lan đã tổ chức các cuộc quyên góp từ thiện.

Phát ngôn viên của Lực lượng Biên phòng Ba Lan, Anna Michalska cho biết đã có hơn 300 nỗ lực vượt qua hàng rào dây thép gai để vào EU của những người di cư vào Chủ nhật. Cô nói rằng hầu hết đều bị ngăn cản, trong khi khoảng 60 người đã vượt qua bị buộc quay lại.

Trong một trường hợp, một nhóm khoảng 150 "người nước ngoài hung hãn" đã cố gắng vượt qua, được hỗ trợ bởi lực lượng Belarus, những người đã sử dụng tia laser và đèn chiếu sáng để làm mù các lính biên phòng Ba Lan, bà Michalska nói.

Người di cư lên xe buýt sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Erbil trên chuyến bay hồi hương do Chính phủ Iraq cử đi đón những người di cư bị mắc kẹt nhiều tuần ở biên giới của Belarus với quốc gia thành viên EU là Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Bà Michalska cho biết, Ba Lan đang lên kế hoạch cho các chuyến bay trở về cho hàng trăm người di cư Iraq hiện đang ở trong các trung tâm canh gác dành cho người nước ngoài của nước này.

Trong số khoảng 1.900 người di cư ở lại các trung tâm này, hơn 1.200 người là người Iraq. Khoảng 700 người đã nộp đơn xin bảo hộ quốc tế và đang chờ quyết định liệu họ có thể ở lại EU hay không. Ba Lan muốn đưa những người khác hồi hương.

Bà Michalska cho biết Ba Lan đang xin phép Baghdad để đưa nhóm đầu tiên gồm khoảng 80 người Iraq trong những ngày tới trên một chuyến bay thuê. Khoảng 20 người trong số họ đã nhận được quyết định trục xuất. “Chúng tôi đang làm việc với phía Iraq để đồng ý nhận lại công dân của mình,” bà Michalska cho biết.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm Chủ nhật cho biết Ba Lan đã sẵn sàng tài trợ các chuyến bay trở về cho người di cư và cơ quan biên giới châu Âu (Frontex) cũng đang làm việc với Ba Lan về các chuyến bay này.