Quên cả vị cơm
Năm 20 tuổi, chị lập gia đình với chàng trai hơn 3 tuổi ở cùng xã. Một năm sau ngày cưới, chị sinh con trai đầu lòng, một năm sau sinh tiếp con trai thứ hai, đều khỏe mạnh. Hàng ngày chị làm ruộng, chồng đi làm thợ hồ.
Năm 26 tuổi, cơn đau bất chợt đến khiến chị phải nhập viện. Kết quả kiểm tra cho thấy chị bị hở van tim, suy tim độ hai, gia đình đưa chị đi nhiều nơi chạy chữa nhưng không có kết quả. Sau đó là những ngày tháng chị Thanh phải đi viện triền miên. Chị cho biết đã ba lần lên bàn mổ nhưng cuối cùng các bác sĩ lại cân nhắc không phẫu thuật để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra.
Cuộc sống của chị từ đó chỉ quẩn quanh từ nhà ra bếp, từ bếp vào giường ngủ, không đi đâu ngoài đi bệnh viện. Mỗi tháng chị đều đặn đi viện kiểm tra một lần để bác sĩ kê đơn thuốc. Vì cứ ăn cơm là bị nghẹn nên chị Thanh không dám “đụng” hạt cơm nào. Để có sức chống chọi lại với bệnh tật và uống thuốc, chị chỉ ăn linh tinh qua quýt cho xong.
Hai năm đầu, sức khỏe chị giảm sút trầm trọng do bệnh diễn biến quá nhanh khiến chị kiệt sức. Từ đó đến nay đã hơn 15 năm, chị Thanh không ăn cơm mà chỉ có thể ăn trái cây sống qua ngày.
“Từ khi mắc bệnh, cứ ăn cơm vào là cảm giác như bị chèn ở ngực không thở được, ăn ít hay ăn nhiều đều bị nên tui không dám ăn, chỉ ăn linh tinh cho qua ngày. Cứ thấy thèm trái cây gì có vị chua chua ăn mới thấy đã, tuyệt đối không dám đụng đến ngũ cốc vì cứ đụng đến là không thở được”, chị Thanh kể.
Theo chị Thanh, trước khi đổ bệnh, chị ăn khỏe, còn nhiều hơn chồng. Chỉ cần cơm có dưa muối là chị ăn mấy bát cho đủ no. Thế mà từ khi bị bệnh đến nay đã 15 năm, chị chỉ ăn trái cây. Chủ yếu là các loại quả có vị chua như: táo, cam, quýt, ổi… Quả có vị ngọt lại không ăn được.
“Tôi cũng quên luôn vị ngon của cơm vì không dám ăn, bác sĩ dặn ăn cơm no mới uống thuốc nhưng tôi chỉ gật đầu, chứ ăn cơm vào là không thở được nên chỉ ăn trái cây rồi uống thuốc thôi…”, chị Thanh nói.
Thương nhau cho quả táo, quả cam…
Hàng xóm thương chị nhưng cũng không có điều kiện giúp đỡ nhiều nên người thì gửi trái cam, người gửi túi táo, người mang túi khế… Chừng ấy cũng khiến chị Thanh thấy ấm lòng.
Ông Phan Văn Yên (SN 1927, bố chồng chị Thanh) cho biết, dù con dâu không ăn cơm, không đi làm được nhưng vẫn hết sức chăm lo cho gia đình. “Khoảng 12h đêm, nó (chị Thanh - PV) mới đi ngủ, cứ 3-4h sáng là thức dậy rồi ra bếp lúi húi nấu cơm, nấu nước cho cả nhà.
Sáng mai cả nhà ngủ dậy đã có cơm ăn để đi làm, con đi học. Còn nó thì ăn vài ba quả táo, quả cam. Không ăn cơm nhưng con dâu nấu cơm cũng rất ngon”, ông Yên kể.
Bà Phan Thị Mỹ (SN 1930, mẹ chồng chị Thanh) cũng chia sẻ: “Mấy năm đầu Thanh nằm một chỗ, chồng nó cũng vất vả thêm vì làm không đủ tiền chi tiêu và đi viện. Nhưng Thanh luôn chăm lo cho chồng con nên ai cũng thương. Bà con hàng xóm đến chơi luôn mang trái cây đến cho Thanh, thay vì phải đi chợ mua….”.
Vợ chồng ông Yên cho hay, mỗi lần đi đâu thấy nhà ai có cây gì ra trái là lại xin một ít mang về cho con dâu. Thành ra trong nhà lúc nào cũng có trái cây tươi. Chị Thanh thèm lúc nào là ăn lúc đó, không cần phải đến bữa như cơm. Có những ngày lên “cơn thèm”, chị có thể ăn hết hơn 1kg táo chua.
Bà Mỹ kể: “Mấy năm trước khi còn khỏe, nhà có ao rau muống, tui hái lên chợ bán kiếm tiền mua trái cây cho con dâu. Thấy tui già mà còn đi bán rau, biết là để lấy tiền mua quả cho Thanh nên có người còn mua cả rổ rau rồi bán rẻ trái cây cho tui về sớm…”.
Mười lăm năm, từng ấy cái Tết Nguyên đán, chưa năm nào chị Thanh được ăn trọn vẹn một miếng bánh chưng. Thèm lắm, chị chỉ có thể cắn một miếng cho mọi người vui rồi để đó.
Hơn một năm nay, con trai đầu của chị đi Xuất khẩu lao động tại Nhật Bản theo học bổng của trường, không mất chi phí, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Con trai thứ hai đang học cao đẳng nghề năm thứ 2 trên địa bàn.
Mấy năm trở lại đây, chị ít ngủ hẳn, mỗi đêm chỉ có thể chợp mắt được 2-3 tiếng rồi dậy, sợ đánh thức cả nhà nên chị lặng lẽ xuống bếp chuẩn bị bữa sáng. Giờ đây, chị chỉ mong sớm khỏi bệnh, được ngủ một giấc thật ngon, chờ con trai về nước, được ăn một bữa cơm thật ngon trong ngày đoàn tụ.
Theo chị Nguyễn Thị Hoàn, y sỹ của trạm y tế xã Nam Cát, chị Thanh thuộc trường hợp lạ ở địa phương. Trước đó, thỉnh thoảng chị Thanh cũng bị choáng và lên trạm để tiêm hoặc truyền rồi về.