Bệnh viện Nội tiết TW không nhìn vào sự thật

Sau bài viết "Phát hiện nhiều sai phạm tại BV Nội tiết TW", Báo Pháp luật Việt Nam nhận được Công văn phản hồi do ông Nguyễn Vinh Quang- Phó Giám đốc Bệnh viện ký, đề nghị Báo giải thích một số thông tin “báo đăng chưa đúng”... Chúng tôi phải nói rằng Công văn thêm một lần cho thấy Bệnh viện vòng vo, ngụy biện và không chịu nhìn vào sự thật.

[links()]Sau bài viết "Phát hiện nhiều sai phạm tại BV Nội tiết TW", Báo Pháp luật Việt Nam nhận được Công văn phản hồi số 573 ngày 25/9/2013 do ông Nguyễn Vinh Quang- Phó Giám đốc Bệnh viện ký, đề nghị Báo giải thích một số thông tin “báo đăng chưa đúng”. Trước khi trả lời các nội dung mà Bệnh viện cho rằng “báo đăng chưa đúng”, chúng tôi phải nói rằng Công văn thêm một lần cho thấy Bệnh viện vòng vo, ngụy biện và không chịu nhìn vào sự thật.

Tài liệu in sai của BV nội tiết TW được phản ánh trong bài viết
Tài liệu in sai của BV nội tiết TW được phản ánh trong bài viết

Đầu tiên, Công văn này hỏi: “Căn cứ vào đâu mà quý Báo nêu hàng chục ngàn bệnh nhân đái tháo đường bị bỏ sót không được chẩn đoán?”. Chúng tôi trả lời như sau: Trước khi có Công văn gửi Báo PLVN, Bệnh viện Nội tiết cũng đã có Công văn giải trình số 545/BVNTTW ngày 13/9/2013 gửi lãnh đạo Bộ Y tế, các Vụ/Cục/Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cũng do ông Nguyễn Vinh Quang ký, trong Công văn này có số liệu:

Năm 2012 số người tham gia sàng lọc đái tháo đường là 268.373 người, số người không làm xét nghiệm sàng lọc là 91.000 người, số người làm xét nghiệm sàng lọc là 121.472 người, số người bị đái tháo đường là 19.778 người, số người bị tiền đái tháo đường là 36.123 người.

Nhìn qua những con số này đã thấy ngay sự vô lý, đó là trong số 268.373 người tham gia sàng lọc, số người không làm xét nghiệm 91.000 người, số người được làm xét nghiệm 121.472 người, vậy còn 55.901 người không tính đến thuộc nhóm nào?

Bằng cách gian dối giảm số người được làm xét nghiệm sàng lọc, đã gián tiếp làm tăng tỷ lệ phát hiện đái tháo đường và tiền đái tháo đường lên tới 16,3% và 29,7% . Báo cáo giải trình trên do ông Quang ký gửi khác xa với “Báo cáo hoạt động phòng chống đái tháo đường năm 2012 và kế hoạch hoạt động năm 2013” cũng do chính ông báo cáo trước đó.

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết thì số người có yếu tố nguy cơ đến khám sàng lọc là 268.373 người, đái tháo đường ở người có yếu tố nguy cơ là 19.778 (tỷ lệ 7,4%), tiền đái tháo đường ở người có yếu tố nguy cơ là 36.123 (tỷ lệ 13,5%).

Không chỉ dừng lại ở đó, “Báo cáo tổng kết...” của ông Quang lại khác xa với “Báo cáo kết quả sàng lọc...” của Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến do ông Quang làm Giám đốc và lại càng khác với “Đánh giá một số kết quả hoạt động...” của Viện Chiến lược và Chính sách y tế Bộ Y tế do Tiến sỹ Khương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng và cộng sự thực hiện.

Cả ba bản báo cáo này đều dựa trên cùng một nguồn số liệu là báo cáo của các tỉnh thực hiện hoạt động sàng lọc đái tháo đường năm 2012, nhưng “Báo cáo kết quả sàng lọc...” và “Đánh giá một số kết quả hoạt động...” đều có tỷ lệ phát hiện bệnh đái tháo đường rất thấp. Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách y tế Bộ Y tế, Dự án Quốc gia phòng chống đái tháo đường đã sàng lọc được 202.020 người, phát hiện được 9.932 người mắc đái tháo đường (4,9%), phát hiện được 26.242 người mắc tiền đái tháo đường (13,0%).

Trong đó, các vùng sinh thái như miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ phát hiện đái tháo đường rất thấp, tương ứng 5,2%, 3,8%, 3,7%, 2,0%, 3,4% và tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng rất thấp, tương ứng 10,1%, 10,2%, 10,0%, 2,9%, 9,8%, trong khi vùng Đông Nam bộ lại phát hiện được tỷ lệ đái tháo đường lên tới 19,3% và tỷ lệ tiền đái tháo đường lên tới 57,9%.

Thật “khôi hài” khi những con số của Dự án Quốc gia phòng chống đái tháo đường lại xác định tỷ lệ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc bộ, Đồng bằng sông Cửu Long lại chỉ bằng phân nửa tỷ lệ mắc đái tháo đường của các tỉnh miền núi?.

Công văn ông Nguyễn Vinh Quang ký gửi Báo Pháp luật Việt Nam tỏ vẻ “ngạc nhiên” khi không biết báo chí lấy từ đâu ra con số tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường là 38,4%?. Xin trả lời ngay rằng, con số 38,4% người mắc tiền đái tháo đường được trích dẫn từ báo cáo của chính Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến do ông Quang làm Giám đốc:

“Theo số liệu điều tra đái tháo đường toàn quốc năm 2008, tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tương ứng ở độ tuổi.., ở độ tuổi 45 – 69 là 7,8% và 38,4%. Như vậy, kết quả sàng lọc thu được là không cao, thậm chí thấp hơn tỷ lệ ở quần thể cùng độ tuổi, chọn ngẫu nhiên năm 2008”.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên thực sự khi báo cáo này, con số này chính tài liệu của các vị ghi rõ, lại còn hỏi bản Báo lấy từ đâu ra?. Ông giở trang 72, dòng 19 tính từ dưới lên thì sẽ tự tìm thấy câu trả lời.

Về phần tài liệu truyền thông, cần phải nói lại tài liệu do Dự án Quốc gia phòng, chống bệnh đái tháo đường đã thiết kế, in ấn “tờ rơi” để phát cho các tỉnh sai hoàn toàn phần nội dung tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, tài liệu này đã được các tỉnh dùng làm tài liệu gốc in thêm ra hàng loạt để tuyên truyền. Chúng tôi đã có những tài liệu in ấn của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội..., giống hệt “tờ rơi” có nội dung sai của Dự án Quốc gia để tuyên truyền. Việc này không thể phủ nhận và không thể đổ lỗi cho ai khác được.

Trong Công văn phản hồi gửi Báo, Bệnh viện Nội tiết cho rằng việc đưa hình ảnh một gia đình người nước ngoài hạnh phúc (trông giống một gia đình người Trung Quốc) lên trang bìa tranh tuyên truyền cho nhân dân và cho rằng không có gì sai?.

Nói vậy là suy nghĩ của ông Quang đã quá sai lệch với những suy nghĩ truyền thống của đa số người dân Việt Nam. Và tại sao với kinh phí rất lớn để thiết kế tranh tuyên truyền lại không thể tìm được hình ảnh gia đình Việt Nam nào hạnh phúc mà phải vay mượn hình ảnh nước ngoài gây phản cảm và bức xúc cho người xem?. Trong khi đó tiền thiết kế “tờ rơi” thì chẳng tiết kiệm được đồng nào.

Theo điều tra riêng của phóng viên, Bệnh viện Nội tiết TW còn có những sai phạm khác, nhất là câu chuyện liên quan đến các thành phần về muối Iode. Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin đến bạn đọc ở các bài báo tiếp theo.

Bảo Minh

Đọc thêm