Bệnh viện Pháp - Việt cấp khống giấy nghỉ ốm?

Ông Phạm Thế Hùng - nguyên kỹ sư làm việc tại giàn khai thác khí Lan Tây, thuộc Cty BP Exploration Operating Co.Ltd (Cty BP), có đơn gửi PLVN nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi việc Bệnh viện Pháp - Việt (FV), TP.HCM cấp khống giấy nghỉ ốm hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm giúp Cty BP hợp thức hóa việc kỷ luật sa thải, xuyên tạc vấn đề tâm thần, tiết lộ thông tin bệnh nhân…

Ông Phạm Thế Hùng - nguyên kỹ sư làm việc tại giàn khai thác khí Lan Tây, thuộc Cty BP Exploration Operating Co.Ltd (Cty BP), có đơn gửi PLVN nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi việc Bệnh viện Pháp - Việt (FV), TP.HCM cấp khống giấy nghỉ ốm hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm giúp Cty BP hợp thức hóa việc kỷ luật sa thải, xuyên tạc vấn đề tâm thần, tiết lộ thông tin bệnh nhân…

Bị sa thải vì… giấy nghỉ ốm

Ông Hùng cho biết, tháng 10/2004 ông và Cty BP giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, công việc là phụ trách vô tuyến điện trên biển. Cuối năm 2007, ông Hùng lúc đó đang là cán bộ công đoàn đã phản ánh với Tập đoàn BP về việc người lao động bị vi phạm quyền lợi, công tác vệ sinh an toàn lao động trên giàn không đảm bảo. Nhận được phản ánh, Tập đoàn BP đã không trả lời mà còn đình chỉ công việc 30 ngày, kỷ luật khiển trách, hạ lương và buộc ông Hùng cam kết cải thiện hành vi...

Bức xúc ông Hùng làm đơn khởi kiện Tập đoàn BP ra TAND quận 2, TP.HCM (nơi có Văn phòng đại diện của Tập đoàn BP). TAND quận 2, TP.HCM đã buộc Tập đoàn BP phải nhận ông Hùng trở lại làm việc và bồi thường cho ông hơn 260 triệu đồng vì sa thải ông Hùng trái pháp luật. Thế nhưng, phiên Phúc thẩm Tòa Lao động TAND TP.HCM đã căn cứ giấy nghỉ việc hưởng BHXH do Bệnh viện FV cấp cho ông Hùng để công nhận thời hiệu Tập đoàn BP xét kỷ luật ông Hùng lên tới 4 tháng, trong khi pháp luật chỉ cho phép 3 tháng.

Ông Hùng đang trình bày vụ việc

Không đồng tình, ông Hùng đã làm đơn lên TANDTC yêu cầu kháng nghị bản án phúc thẩm. Đến ngày 22/11/2011, TANDTC có Bản án Giám đốc thẩm số 08/2011/LĐ-GĐT, hủy án phúc thẩm của TAND TP.HCM vì đã xử sai cả nội dung lẫn hình thức. Trong đó đề nghị làm rõ việc BP sử dụng 2 giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH do Bệnh viện FV cấp cho ông Hùng từ 31/3/2008 tới 29/4/2008 (Bút lục 619. 620 -TIII), để làm căn cứ hợp thức hóa việc kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật ông Hùng từ 3 tháng lên 4 tháng và sau đó thì ra quyết định sa thải.

Bệnh viện có sai phạm?

Theo quy định pháp luật, giấy nghỉ ốm hưởng BHXH (mẫu C65HD) do ngành BHXH phân phát cho các bệnh viện để y bác sĩ tại nơi này cấp cho bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên trước đến giờ ông Hùng đã không hề biết mình được cấp giấy nghỉ ốm hưởng BHXH, vì thực tế cơ quan BHXH chưa hề chi trả tiền lương cho ông Hùng ngày nào.

Chỉ đến khi TANDTC có Bản án Giám đốc thẩm số 08/2011/LĐ-GĐT, hủy án phúc thẩm của TAND TP.HCM và nhắc đến việc Cty BP sử dụng 2 giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH, ông Hùng mới giật mình.

Sau đó ông đã xin sao lục hồ sơ và phát hiện thêm Bệnh viện có hàng loạt sai phạm như: Dù kết quả kiểm tra cho thấy tinh thần ông Hùng rất bình thường, nhưng bác sỹ Bệnh viện FV lại bịa đặt rằng: Ông Hùng suy nhược thần kinh (F48.0-ICD10), rối loạn thích ứng (F43.2 ICD10). Đặc biệt trong báo cáo y khoa còn ghi: “Ông Hùng tự khai mình bị ngăn chặn không được bổ nhiệm; thường xuyên lớn tiếng với đồng nghiệp, mất trí nhớ, ngất tại nơi làm việc...” trong khi ông Hùng khẳng định đó chỉ là do các bác sĩ tự… nghĩ ra mà thôi.

Theo xác minh của chúng tôi, tại Thông tư liên tịch số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH đã quy định rõ những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chỉ có quyền cho bệnh nhân nghỉ ốm tối đa cũng chỉ 7 ngày/lần. Tuy nhiên, Bệnh viện FV đã cấp khống hai lần, lên đến tổng cộng 28 ngày (mà theo ông Hùng là nhằm giúp BP sa thải người lao động).

Đặc biệt, cũng theo Thông tư Liên tịch số 11/1999/TTLT-BYT-BHXH, thì mục I.3 có quy định rõ, chỉ những cơ sở có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan BHXH mới được phép cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Trong khi đó ông Jean-Mareel Guillon (Đại diện theo pháp luật và là Tổng giám đốc Cty TNHH Y tế Viễn Đông - Cơ quan chủ quản Bệnh viện FV) lý giải: “Bệnh viện đã ký hợp đồng số 52/HĐ KCB-KCB-BHYT ngày 4/1/2010 với BHXH TP.HCM làm cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chấm dứt vào ngày 30/6/2010”.

Như vậy rõ ràng điều này có nghĩa là ngoài thời gian trong hợp đồng này, FV không được cấp giấy nghỉ ốm hưởng BHXH cho bất kỳ bệnh nhân nào. Thế nhưng theo hồ sơ của chúng tôi thì FV vẫn cứ vô tư cấp loại giấy này kể cả là không hợp lệ.

Với các bằng chứng rõ ràng như vậy, nhưng trả lời PLVN về các vấn đề của bệnh nhân tố cáo, bà Phạm Thị Thanh Mai - Giám đốc quản lý các hoạt động của FV - vẫn khăng khăng: Hãy chờ phán quyết của TAND quận 7, TP.HCM. Nhiều người tỏ ra nghi vấn, không biết bệnh viện đang đặt niềm tin trên cơ sở nào ở Tòa quận 7 trong vụ này?

Lam Sơn

Đọc thêm