Đơn giản, dễ ăn nhất là cọ ỏm bùi ngọt, béo ngậy khiến người ta cứ nhớ mãi. Nó như hương vị của núi rừng, xứ sở, của nắng gió miền trung du, được chắt lọc từ màu xanh bát ngát rừng cây hoa trái.
Cứ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi gió heo may bắt đầu thổi trên những sườn đồi thì lúc đó trái cọ đã chín già, vỏ chuyển từ xanh sang màu tím thẫm, bóng loáng. Lúc này, người dân bắt đầu đi thu hoạch trái cọ - thứ quả bùi chát đặc trưng của miền trung du.
Quả cọ ăn sống có vị chát, nhưng khi qua chế biến, những món ăn từ cọ lại có thêm vị ngọt bùi, béo ngậy. Những quả cọ ngon nhất được lấy từ cây cọ chưa bao giờ bị chặt lá. Vì quả cọ mọc từ những cây đã bị chặt lá thường còi cọc, hạt to, vị chát, mất mùi vị đặc trưng của cọ.
Để có cọ ỏm ngon, không phải ai cũng biết cách chế biến để biến thứ quả chan chát đó thành những món ăn hấp dẫn. Để làm cọ ỏm (cọ om), người ta thường chọn những quả càng già càng tốt vì sẽ cho vị ngậy, béo và bùi rõ ràng.
Sau khi được rửa sạch bụi đất, cọ được xóc lẫn cùng những mảnh cật tre, cật nứa già để bong lớp vỏ xanh đi rồi mới đem ỏm. Để ỏm cọ ngon phải dùng nước giếng khơi hoặc nước nguồn đun nóng già, chú ý thời gian cho phù hợp, nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại.
Khi nước sôi liu riu, bọt tăm bám đầy xoong thì thả cọ vào. Nếu đợi nước sôi sùng sục mới thả cọ vào nồi sẽ khiến quả bị teo, quắt đi, ăn chát và cứng.
Nồi cọ ỏm được đậy kín vung, đun nhỏ lửa trong 5-10 phút, cũng có thể là 15-20 phút, tùy theo số lượng trái cọ. Đun đến khi thấy mặt nước nổi lên váng màu vàng, nắn thấy mềm, thịt cọ chuyển màu vàng ươm đẹp mắt là cọ ỏm đã chín, ăn được. Người ta sẽ đổ cọ ra rổ, chờ ráo nước rồi sau đó mới thưởng thức.
Theo những người sành ăn, ỏm cọ nếp là ngon nhất. Cọ nếp ỏm có quả tròn, cùi dày và vàng như mật ong. Khi ăn sẽ cảm nhận được độ mềm, dẻo, vị bùi, ngọt, béo ngậy và thơm đặc trưng của cọ và tuyệt nhiên không thấy vị chát nào.
Cọ ỏm chấm mắm là ngon nhất. Ngoài ra cũng có thể chấm với muối vừng, tùy theo sở thích, khẩu vị của mỗi người.
Ngoài cọ ỏm là món ăn dễ làm nhất, người Phú Thọ còn dùng cọ để làm dưa, kho cá. Dưa cọ đượm vị mặn của muối, ngậy béo, bùi bùi đặc trưng nên rất “đưa” cơm.