Kết luận này nhấn mạnh Danh mục thức ăn chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT được áp dụng đối với cả trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi không mang tính chất thương mại là chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT (ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam) có một số nội dung không bảo đảm tính hợp pháp. Trước hết là quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng của Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT không phù hợp với quy định của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018).
Cụ thể, Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT được ban hành để quy định chi tiết khoản 3 Điều 12 Nghị định số 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP). Nghị định số 39/2017/NĐ-CP quy định phạm vi điều chỉnh là “điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại”.
Tuy nhiên, Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT quy định: “Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”; “Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam”.
Quy định của Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT có thể dẫn đến cách hiểu là Danh mục thức ăn chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT được áp dụng đối với cả trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi không mang tính chất thương mại, vì vậy, chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP.
|
Bèo tây không phải là thức ăn chăn nuôi đã từng gây tranh cãi |
Ngoài ra, quy định về các loại thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành trong “Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP.
Cụ thể là: Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT quy định liệt kê có giới hạn (18) sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán. Tuy nhiên, đối với loại thức ăn này, Nghị định số 39/2017/NĐ-CP quy định theo cách liệt kê không giới hạn (Thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và các loại khác).
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý những nội dung không bảo đảm tính hợp pháp của Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT và thông báo kết quả xử lý cho Cục theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, liên quan đến quy định quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP (căn cứ pháp lý để kiểm tra Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT) về việc giao “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam”.
Qua rà soát cho thấy, ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020). Nghiên cứu bước đầu, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thấy rằng, quy định nêu trên của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP cần được rà soát để phù hợp với Luật Chăn nuôi năm 2018.
Vì vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 170 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và điểm a khoản 1 Điều 142 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát quy định của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP và xem xét việc kiến nghị Chính phủ xử lý theo quy định của pháp luật về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam".
Trong đó, Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán gồm 18 sản phẩm: Ngô; Thóc; Lúa mì; Gluten; Đậu tương; Khô dầu; Sắn; Hạt các loại; Thức ăn thô; Phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt ngũ cốc (DDGS - Distillers Dried Grains Solubles); Mía, Các loại củ; Các loại bã; Thức ăn có nguồn gốc từ thủy sản; Thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn; Sữa và sản phẩm từ sữa; Dầu, mỡ; Dầu cá.
Thông tư này đã vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận khi các loại thức ăn vốn vẫn được các hộ chăn nuôi sử dụng làm thức ăn cho lợn như: Bèo tây, thân chuối, rau, lá..., gia cầm nhưng nằm ngoài Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán thì sẽ không được lưu hành tại Việt Nam.