“Bêu tên” đương sự chây ì thi hành án?

(PLO) - Nhận được quyết định thi hành án (THA) của cơ quan THA theo bản án của Tòa, đương sự không đến; sau đó cơ quan THA tống đạt quyết định THA, đương sự cũng không thực hiện, hiện tượng này không còn là chuyện hy hữu. Để chấm dứt tình trạng xem thường Tòa án và cơ quan THA, nên chăng có quy định về việc công khai thông tin liên quan đến việc THA của người phải THA quá chây ì?.
“Bêu tên” đương sự chây ì thi hành án?
"Bó tay" với thái độ phớt lờ, chây ì
Một ví dụ về bản án của TAND bị phớt lờ là bản án của TAND TP.HCM xung quanh vụ việc tại Công ty TNHH May mặc Chien Hua (huyện Củ Chi – TP.HCM). Anh Lê Đông Mạnh (trú ở quận 5, TP.HCM) làm việc tại công ty từ tháng 11/2007 đến ngày 30/1/2011 thì bị thông báo cho nghỉ việc mà không có quyết định, cũng không báo trước và không có lý do. 
Ngày 14/3/2011, anh Mạnh kiện công ty ra tòa. Qua hai cấp xét xử, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Mạnh, tuyên buộc Công ty Chien Hua phải bồi thường cho anh Mạnh tổng cộng 23,8 triệu đồng. Bản án đã có hiệu lực từ lâu nhưng đến nay công ty vẫn không chấp hành. 
Khi Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Củ Chi phong tỏa tài khoản ở ngân hàng của công ty thì tài khoản chỉ còn 4,5 triệu đồng và 180 USD. Chi cục cũng đã tống đạt quyết định THA, thậm chí các cơ quan, ban ngành đến làm việc nhưng người đại diện theo pháp luật của công ty không tiếp nên Chi cục không lập được biên bản.
Vụ việc rắc rối điển hình khác là ngày 17/12/2012, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên buộc Công ty CP Giấy Minh Thắng trả nợ cho Vietbank gần 100 tỷ đồng cả vốn lẫn lãi, trong đó Agribank Chi nhánh Phú Mỹ Hưng đã phát hành 2 thư bảo lãnh với trị giá 50 tỷ đồng. Vì vậy, Tòa đã tuyên Agribank Phú Mỹ Hưng phải trả nợ thay cho Công ty Minh Thắng 50 tỉ đồng cho Vietbank.
“Đánh” vào yếu tố tâm lý
Để việc thi hành các bản án dân sự không bị chậm trễ hoặc dùng dằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy cho biết, dự kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008 sẽ bổ sung quy định đối với người phải THA (đặc biệt là các doanh nghiệp) không có tài sản để THA hoặc cố tình không THA thì cơ quan THA niêm yết, thông báo công khai tại địa phương (nơi sinh sống, nơi địa bàn kinh doanh của doanh nghiệp…) để mọi người có thể biết. 
“Điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự trong việc kinh doanh của người phải THA nên tạo ra yếu tố tâm lý rất lớn để họ cố gắng THA mà kinh nghiệm THA của các nước Pháp, Nhật, Đức, Thụy Điển… đã cho thấy như vậy” – ông Thủy lý giải.
Một giải pháp nữa là tăng cường sự vào cuộc của UBND các cấp trong công tác THADS nhằm bảo đảm chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý chuyên ngành, hoạt động của cơ quan THA và cơ quan THA tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. 
Theo đó, cùng với tiếp tục phát huy tốt các nhiệm vụ, quyền hạn hiện nay như chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn, chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp thì sẽ bổ sung quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ Tư pháp quản lý một số vấn đề về cán bộ THA; chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về THA; hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho cơ quan THADS. 
Ngoài ra, định kỳ 6 tháng, hàng năm, Cục THADS, Chi cục THADS có trách nhiệm báo cáo công tác THA với UBND; UBND có trách nhiệm báo cáo trước HĐND cùng cấp. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của UBND các cấp không can thiệp sâu, làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan THADS, đảm bảo tính độc lập đặc thù của các cơ quan THADS.

Đọc thêm