Chàng trai “nhà quê” 7 năm đi tới 54 quốc gia

(PLO) - Trong bẩy năm một chàng trai Việt đã lập kỷ lục rất đáng được ngưỡng mộ, anh đã đặt chân tới 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đáng nói là anh không phải  thiếu gia con nhà giàu, càng không phải một đại gia mới nổi mà chỉ là một công chức bình thường, vẫn ở nhà thuê, đi xe máy cà tàng.
Chí Linh nằm đọc báo ở Biển Chết
Chí Linh nằm đọc báo ở Biển Chết

Những điểm đến đáng... ghen tỵ

Chàng trai đáng ngưỡng mộ đó là Nguyễn Chí Linh (quê ở Long An, hiện ở TPHCM), chưa kể 64 tỉnh thành trên đất nước Việt Nam đều đã có dấu chân anh, mà những nơi nổi tiếng trên thế giới như:  Đấu trường La Mã (Ý), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), đền Taj Mahal (Ấn Độ), khu Di tích Petra (Jordan), Kim tự tháp của Ai Cập huyền bí, cung điện Buckingham, đồng hồ Big Ben nổi tiếng (của Anh) ,Athen (Hy Lạp), Cung điện Kremlin … đều là những nơi Linh đã từng đi qua.

Ngoài ra những thú “xa xỉ” mà không phải ai cũng dám mơ ước là ngắm Hoa tulip ở Hà Lan, cảm nhận mùa thu vàng rực lá phong ở Canada, đọc báo ở biển chết, tắm biển ở Hawai đầy nắng, xem chuột túi ở Úc, ăn cá hồi ở Nauy, trượt tuyết ở Thụy Sĩ, tới Cầu Cổng Vàng  vịnh San Francisco , đỉnh Everest, đón bình minh ở Cape Town (Nam Phi), xem đấu bò ở Tây Ba Nha…  Các nước Asean chỉ trừ có Đông Timor là anh chưa tới.
Chí Linh ở Petra
Chí Linh ở Petra 
Trong những chuyến đi của mình anh đều viết nhật ký về hành trình để chia sẻ trên blog cá nhân có tên “Cuộc sống du lịch bụi”. Với hơn 300 bài viết hấp dẫn về những nơi Linh từng đi qua. Blog này đã thu hút hàng vạn người truy cập. Có những bạn là người “đồng hành” qua internet với anh suốt cả chục năm qua. Qua blog họ rõ theo bước chân anh như một thước phim tài liệu sống động về để nhìn ra thế giới. Ở đây không hẳn chỉ là cuốn nhật ký hành trình, mà người ta nhìn thấy cả bề dày lịch sử, văn hóa, ẩm thực, cảnh đẹp nổi tiếng, những kiến trúc đặc trưng, con người…những nơi anh từng đi qua. 
Nhờ sự hiểu biết cộng với sự nhạy cảm khả năng quan sát, cảm thụ nên Linh có thể nắm bắt cái “thần”, cái “hồn” những nét đặc sắc, độc đáo ở mỗi ô cửa sổ, mỗi hoa văn trên mái vòm của thánh đường hay kể cả từ đôi mắt của những cô gái bản xứ. Cuộc sống thực tế trở lên sống động thú vị qua con mắt của kẻ “lãng tử ham chơi”. Và từ những cuộc du ngoạn này , nhiều bộ ảnh của anh đã dành được giải thưởng từ những cuộc thi ảnh.

"Phượt" kiểu "pro"

Khi gặp “người lãng du” này người ta không khỏi ngạc nhiên, quần tây áo sơ mi , lối nói chuyện có phần nhỏ nhẹ của Linh không gợi cho người đối diện một sự liên tưởng nào về một anh công chức giản dị và nỗi đam mê “tốn kém” này . Linh kể, anh sinh ra và lớn lên ở một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Long An. Tốt nghiệp đại học Nông Nghiệp ở Cần Thơ, học tiếp theo bằng quản trị kinh doanh rồi học lên  Thạc sĩ . 
Lợi thế ban đầu của anh có lẽ là khả năng ngoại ngữ, nói tiếng Anh “như người bản xứ”. Ngoài ra giắt lưng thêm tiếng Nhật, Hoa “nghe, nói, đọc đều ...ok”. Cộng  với chút ít tiếng Nga thời còn học phổ thông, “khuyến mại” thêm tiếng Pháp ở tầm giao tiếp căn bản. Với từng đó ngôn ngữ, Linh có thể tự tin đến bất cứ quốc gia nào

Với Linh, hồi nhỏ thì mỗi khi nghe địa danh được nhắc đến trong sách địa lý, hay những tác phẩm văn học nước ngoài anh đều ước mơ “giá được đến tận nơi, nhìn tận mắt”. Nhưng đối với một cậu bé miền sông nước giấc mơ ấy còn quá xa vời . Rồi may mắn được ra nước ngoài đi công tác, anh đã được nhìn một thế giới muôn mầu. Anh chia sẻ “tôi may mắn tìm được một công việc có thu nhập tốt, có thể “nuôi dưỡng” giấc mơ của mình”. Điểm đầu tiên mở đầu cho cuộc hành trình “vòng quanh thế giới” của Linh là đảo Bali của Indonesia vào những ngày cuối cùng của năm 2005, anh đã đón giao thừa trên “thiên đường” này.

Từ đó cứ mỗi năm anh nghỉ phép khoảng một tháng (không lương) những dịp nghỉ lễ, tết cũng được anh trưng dụng triệt để thỏa mãn “cơn nghiện” đi của mình.

Bắt đầu có kế hoạch đi quốc gia nào là anh chuẩn bị từ mấy tháng trước, tìm hiểu về vị trí địa lý của nước. Tiếp sau đó là đọc thật nhiều tài liệu về quốc gia này, tất nhiên là bằng tiếng Anh được tham khảo ở những trang du lịch quốc tế để lựa chọn lịch trình cụ thể: Địa điểm những nơi sẽ đến, ăn ở đâu, nghỉ ở đâu, đến thăm chỗ nào, thời gian bao lâu, sau đó đi đâu. Lịch trình kín mít cho đến khi lên máy bay về nước.
Chia sẻ may mắn
Khi nói về mình, Linh cho rằng mình may mắn khi có một công việc tốt, gia đình ủng hộ, sếp tâm lý tạo điều kiện…. Chàng Tabalô này thành thật chia sẻ: “Mình không phải đại gia. Do giá vé rất máy bay rất đắt là thường chiếm 2/3 toàn bộ số tiền cho một chuyến đi. Do kinh phí có hạn, cộng với quan điểm là đi để tìm khám phá văn hóa, mở rộng tầm mắt …Chứ không phải đi để nghỉ dưỡng và mua sắm, hưởng thụ. Vì vậy để tiết kiệm chi phí tối đa, trong hành trang của lúc nào cũng có hai thứ không thể thiếu là: café Trung Nguyên và… mì tôm”. Cho nên về chi phí thì những chuyến “phượt” xuyên lục địa của Linh thường có mức giá rẻ kỷ lục. 
Anh kể, chuyến đi rẻ nhất là anh đi Bangladesh trong 7 ngày tất cả ăn ở, di chuyển anh chỉ tiêu hết 150 đô la (không nói đến tiền vé máy bay). Còn chuyến đi Myanmar, anh chỉ xài hết 200 đô cho 5 ngày “du ngoạn” ở nước này. Kể những kỷ niệm trong quá trình “bôn tẩu giang hồ” Linh vui vẻ “đi nhiều nơi, gặp rất nhiều con người ở những quốc gia khác nhau văn hóa khác nhau mình thấy mỗi nơi đều có nhiều cái thú vị. 
Số tiền anh bỏ ra để thực hiện đam mê của mình từ bấy đến nay có lẽ đã đủ mua vài căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng
 Số tiền anh bỏ ra để thực hiện đam mê của mình từ bấy đến nay có lẽ đã đủ mua vài căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng
Một lần đang leo núi ở Nepal một du khách Nhật Bản cười “chào Việt Nam” khiến mình sững sờ xúc động mất mấy giây. Mỗi lần đi đến những nơi xa xôi, khi nói giới thiệu về Việt Nam với họ, họ “I Knew,  I've heard about it” (tôi biết, tôi đã nghe về nó) mình đều cảm thấy rất tự hào”. Anh chia sẻ “mình viết blog không phải để khoe khoang mình chỉ muốn chia sẻ may mắn với các bạn, nếu bạn nào muốn đi đâu, qua những bài viết của mình có thể có những kinh nghiệm nhất định. Hoặc nếu cần mình có thể tư vấn trực tiếp.”
Giải đáp những thắc mắc về gia đình, anh chàng “ham chơi” này cho biết “Mình chỉ đi sau khi thực hiện nghĩa vụ với gia đình. Hàng năm đều có tham gia các chương trình từ thiện ở địa phương chia sẻ may mắn với những người nghèo. Vì vậy gia đình mình cũng không hề phiền. Mẹ mình rất tâm lý, luôn khuyến khích đam mê của mình. Thỉnh thoảng thu xếp được thời gian anh trai mình còn “hộ tống” mình nữa đó ”. 
Khi được hỏi mục tiêu sắp tới Linh vui vẻ “hiện giờ kinh tế đang khó khăn thời gian này mình sẽ kề vai sát cánh với công ty. Nếu sau đó có điều kiện thì mình sẽ làm một chuyến đi Nam Mỹ để được tận mắt nhìn thấy dòng sông hùng vĩ Amazon”.  Về dự định an cư và lấy vợ thì chàng thạc sĩ kinh doanh anh cười. “Đang chờ người bạn “đường” trên cả quãng đời còn lại của mình”.

Đọc thêm