BHYT hộ gia đình, dân thờ ơ chờ vào viện mới "chạy"

(PLO) -Được mời chào rất nhiệt tình, thậm chí có “khuyến mại” nhưng người dân vẫn chưa tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Chỉ đến khi có bệnh, vào viện mới “chạy” mua để được thanh toán bảo hiểm y tế…
Ảnh minh họa
“Bảo hiểm” chờ… khách
Giao cấp xã quản lý BHYT hộ gia đình là giải pháp chống trùng thẻ, chậm thẻ, sai thông tin trên thẻ, song quy trình chưa hợp lý khiến việc triển khai phương án thực hiện BHYT hộ gia đình đang phải tạm dừng.
Hiện giao UBND cấp xã xác định và lập danh sách nhưng rất ít người mua BHYT hộ gia đình. Ở xã có vài ba đại lý BHYT nhưng chỉ ở văn phòng UBND cấp xã, do cán bộ xã kiêm nhiệm bán theo lịch. 
Ông Vũ Xuân Bằng – Phó Trưởng ban Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, đầu năm 2015 vẫn có trường  hợp bắt người dân photo giấy tờ để lên danh sách mua BHYT hộ gia đình. 
Nhưng thường sau 1 tháng, thậm chí có nơi phải 1 quý mới được cấp thẻ khiến “người dân thấy khó khăn nên nản không tham gia” - ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét. 
Ông Tiên cũng cho rằng: mặc dù có chính sách giảm trừ phí BHYT cho hộ gia đình (mua BHYT cho 5 người được giảm phí 2 người). Bên cạnh đó, nếu người dân không mua BHYT hộ gia đình thì không bị phạt nên triển khai chính sách BHYT hộ gia đình cần hoạt động vận động, tuyên truyền. 
Muốn nhiều người mua thì phải có đội ngũ cộng tác viên đến vận động từng nhà, nhất là trong các dịp lễ, tết, nhưng hiện các đoàn thể ở địa phương gần như không vào cuộc vì coi đó là hoạt động mua bán theo cơ chế thị trường, ai cần thì mua, mà không nhận thức được đây là một chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Một nguyên nhân nữa khiến BHYT hộ gia đình chưa được triển khai để đạt mục tiêu BHYT bao phủ toàn diện là vì chưa xác định rõ BHYT hộ gia đình ở xã là “việc của Y tế hay Bảo hiểm xã hội” nên bị “bỏ mặc” cho UBND. Trong khi đó, UBND cấp xã cũng chỉ triển khai bằng việc lập danh sách, họp, chỉ đạo như vừa qua. 
Hơn nữa, không có người chuyên trách làm BHYT ở xã nên việc bán BHYT theo kiểu “chờ khách đến mua chứ không đi vận động tại nhà” khiến chính sách BHYT hộ gia đình vẫn… chỉ “dậm chân” trong Luật. 
Ông Nguyễn Văn Tiên chỉ ra, phải có người chuyên quản lý, theo dõi việc mua BHYT hộ gia đình. Những người này có thể được hưởng phụ cấp bằng tỷ lệ % số thẻ bán ra… vì hiện BHYT đang chi khá nhiều tiền “hoa hồng” cho các đại lý, cơ quan khác để bán BHYT.
“Tính đúng, tính đủ” để dân không bị “phụ thu”
Cùng với việc chưa vận động, tuyên truyền sát với đối tượng, đa số chuyên gia y tế đều nhận thấy giá dịch vụ BHYT cũng ảnh hưởng đến sự quan tâm của người dân đối với chính sách BHYT hộ gia đình. Hiện giá dịch vụ BHYT còn thấp, nhiều bệnh viện chỉ được BHYT chi trả nên phần thiếu phải thu của người dân. 
Đầu tư ít thì chất lượng khám chữa bệnh khó đáp ứng yêu cầu nên BHYT thường bị “ghẻ lạnh” khi so với khám chữa bệnh dịch vụ (thu 100%). Do đó, ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, giá dịch vụ BHYT phải dần được điều chỉnh phù hợp với chất lượng khám chữa bệnh để áp dụng chặt chẽ BHYT hộ gia đình.
“Nếu giá dịch vụ BHYT được “tính đúng, tính đủ”, thì người dân không bị “phụ thu” thì BHYT sẽ có tính hấp dẫn hơn” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định. Nhất là “BHXH phải đổi mới cơ chế cấp thẻ BHYT ở xã, cấp phôi thẻ BHYT ngay sau khi người dân thanh toán phí BHYT, đừng bắt dân đợi đến 1-2 tháng”. 
Qua thí điểm mô hình quản lý đối tượng BHYT hộ gia đình tại Sóc Sơn và Phủ Lý (Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nhận xét, chính quyền cấp xã hoàn toàn đủ khả năng quản lý BHYT hộ gia đình nếu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của tuyến xã với tuyến trên, tuyến xã và tuyến thôn, có hướng dẫn kịp thời và nâng cao kỹ năng cho cán bộ trực tiếp làm và quản lý BHYT.

Đọc thêm