Bệnh nhân hưởng lợi, bệnh viện phải... chạy đua

Bắt đầu từ 1-1-2016, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bất cứ cơ sở y tế nào từ tuyến huyện trở xuống trong cùng một tỉnh, thành phố mà không cần giấy chuyển viện. 
Bệnh nhân hưởng lợi, bệnh viện phải... chạy đua
Việc thông tuyến khám chữa bệnh như vậy giúp nâng cao quyền được lựa chọn của người bệnh, thay vì bắt buộc phải đến khám chữa bệnh từ nơi đăng ký BHYT ban đầu như trước đây.
Không còn giới hạn nơi khám chữa bệnh
Theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, quyền lợi của người bệnh BHYT được mở rộng hơn. 
Cụ thể, bắt đầu từ 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố.
Điều này có nghĩa người bệnh BHYT có quyền được lựa chọn bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào từ tuyến huyện trở xuống. Chẳng hạn người bệnh ở huyện này có thể sang bệnh viện đa khoa của huyện khác trong cùng địa bàn một tỉnh, thành phố để khám chữa bệnh mà quyền lợi BHYT vẫn được giữ nguyên.
Tương tự, người bệnh đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến xã cũng có quyền lên thẳng bệnh viện tuyến huyện để khám chữa bệnh mà không cần xin giấy chuyển viện, vẫn được coi là đúng tuyến.
Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.
Đặc biệt, trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT…
TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ. Lý do bởi các bệnh viện huyện nếu không thay đổi, không nâng cao chất lượng thì bệnh nhân BHYT sẽ sang bệnh viện khác, không còn chịu bất cứ một rào cản nào về thủ tục, quyền lợi BHYT như trước.
Theo bà Lưu Thị Liên, để chuẩn bị cho việc thực hiện theo thông tư này, trong năm 2015, hàng loạt bệnh viện tuyến huyện của thành phố đã “chạy đua” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nỗ lực áp dụng các kỹ thuật mới, triển khai các phương pháp điều trị hiện đại để giữ bệnh nhân, điển hình như Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Phúc Thọ…
Không thay đổi, bệnh viện sẽ mất bệnh nhân
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này chiều 4-1, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, khi áp dụng thông tuyến kỹ thuật, một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện có chất lượng tốt sẽ đông bệnh nhân, trong khi một số bệnh viện huyện năng lực còn yếu sẽ vắng bệnh nhân.
Lý do vì người bệnh được quyền tự đi khám chữa bệnh và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi được hưởng. Do vậy, nếu các bệnh viện không nỗ lực nâng cao chất lượng thì sẽ không thể giữ được bệnh nhân và như thế sẽ mất nguồn thu.
Ở chiều ngược lại, do mới áp dụng thông tuyến kỹ thuật ở tuyến huyện và áp dụng theo địa bàn (trong cùng một tỉnh, thành phố) nên cũng không quá e ngại việc bệnh nhân đổ dồn quá đông về một số bệnh viện nhất định dẫn đến quá tải. Các bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện huyện khác trong cùng tỉnh cũng không lo ngại bị từ chối khám chữa bệnh vì… bệnh viện nào cũng cần bệnh nhân, cũng muốn giữ bệnh nhân.
Ông Vũ Xuân Bằng cho biết thêm, để bảo vệ quyền lợi của người có thẻ BHYT, những cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế và không đảm bảo được quyền lợi của người bệnh thì cơ quan BHXH có quyền từ chối không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, tới đây Sở Y tế và BHXH Hà Nội sẽ công bố chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn. Khi đó có thể xuất hiện tình trạng có nơi làm không hết việc, trong khi nơi khác không có bệnh nhân. “Đây là một cuộc đua lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cuối cùng người bệnh chính là người được thụ hưởng” - ông Nguyễn Đức Hòa nói.