Tại phiên tòa, chủ tọa cho biết các thành viên HĐXX đã xem xét, đánh giá đầy đủ các chứng cứ, lời khai các bị cáo cũng như những quan điểm bào chữa.
Trên tinh thần khách quan, HĐXX nhận định: Có bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cũng có bị cáo chưa thừa nhận nhưng qua tài liệu điều tra và qua những ngày xét xử cho thấy có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng đã nêu. Việc PVN mất 800 tỷ đồng do những hành vi sai trái của bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm gây ra.
Cụ thể, từ chủ trương góp vốn của bị cáo Đinh La Thăng và với 3 lần góp tổng số 800 tỷ đồng vào OceanBank, đến nay toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank đã bị mất hoàn toàn khi OceanBank bị âm vốn chủ sở hữu và thua lỗ nghiêm trọng. Cũng bởi lý do này, NHNN phải mua lại bắt buộc OceanBank.
Theo HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank và biết rõ theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank thì phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi ký Thỏa thuận góp vốn và ban hành nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào OceanBank.
|
HĐXX tuyên vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm |
Tuy nhiên, bị cáo đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước; bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm (làm trước báo cáo sau).
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động kinh doanh của PVN, xâm hại nghiêm trọng đến đội ngũ quản lý Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội, gây thiệt hại lớn đặc biệt lớn đối với PVN nên cần có bản án nghiêm khắc đối với các bị cáo.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng có nhân thân tốt, từng giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước; quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai báo… nên khi lượng hình, HĐXX cũng áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Từ đó, HĐXX quyết định tuyên án: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT, HĐTV PVN): 18 năm tù; Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN): 23 năm tù (cả 2 tội danh); Vũ Khánh Trường (nguyên Thành viên HĐTV PVN): 5 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Thành viên HĐTV PVN): 22 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Thành viên HĐTV PVN): 20 tháng cải tạo không giam giữ; Phan Đình Đức (nguyên Thành viên HĐTV PVN): 15 tháng cải tạo không giam giữ.
Trước đó, ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN) bị đề nghị mức hình phạt 18-19 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN) 30-36 tháng, Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN) 7-8 năm, Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng, Nguyễn Thanh Liêm (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng cải tạo không giam giữ, Vũ Khánh Trường (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 7-8 năm, Phan Đình Đức (cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN) 24-30 tháng cải tạo không giam giữ. Các bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm sau khi áp dụng hình phạt chính. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 BLHS, bị đề nghị mức án 17-18 năm.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới bồi thường 800 tỷ đồng cho Nhà nước mà PVN là nơi đại diện. Cụ thể, các bị cáo phải hoàn trả số tiền như sau: Đinh La Thăng bồi thường 600 tỷ đồng, bị cáo Quỳnh bồi 100 tỷ; bị cáo Trường bồi thường 40 tỷ; bị cáo Sơn, Thắng, Liêm và Đức mỗi người chịu trách nhiệm bồi thường 15 tỷ đồng.
Số tiền 20 tỷ của Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt, theo nguyên tắc sẽ trả lại cho Oceanbank. Số tiền này nằm trong số tiền do Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt nên Quỳnh phải trả lại cho Sơn. Bản án sơ thẩm cuối năm 2017 (vụ án xảy ra tại Oceanbank) tuyên Nguyễn Xuân Sơn phải bồi thường 197 tỷ cho ngân hàng, do đó, 20 tỷ đồng trên nằm trong tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng để đảm bảo thi hành án.