Bị cáo trốn trước phiên phúc thẩm, lỗi tại ai?

(PLO) - Một bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, do nhiễm HIV/AISD nên được cho tại ngoại, đã lợi dụng sự lơi lỏng trong quản lý giám sát và “biến mất” khỏi địa phương khiến cho cấp phúc thẩm TAND TP.HCM 4 lần xếp lịch vẫn chưa thể mở phiên xét xử. Thậm chí, bị cáo mất tích gần 20 ngày, cơ quan chức năng cũng chỉ mới biết được tin qua… lời kể của vợ bị hại. 
Mỗi ngày chạy vạy thăm chồng hoặc lên Tòa phúc thẩm theo dõi lịch xét xử, chị Minh lại mất đi phần thu nhập để góp trả chủ nợ 300 ngàn. Ảnh:Xuân Nhi
Mỗi ngày chạy vạy thăm chồng hoặc lên Tòa phúc thẩm theo dõi lịch xét xử, chị Minh lại mất đi phần thu nhập để góp trả chủ nợ 300 ngàn. Ảnh:Xuân Nhi
Hai tài xế xe ôm có tật “quậy”
Ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT), phường 21, quận Bình Thạnh, TP.HCM, có hai người đàn ông làm nghề tài xế xe ôm, có nhiều điểm bất cập trong cách sống khiến hàng xóm bạn bè phải đau đầu khi nhắc đến họ.
Ông Võ Quang Minh (SN 1968, ngụ tại số 66/71 XVNT), có một vợ hai con, tính tình hiền lành, nhưng hễ có hơi men trong người là hay nói xằng nói bậy, xô đẩy, chọc ghẹo bạn bè. Vợ chồng ông có xe cafe nho nhỏ bên lề đường XVNT, gần Viện Dưỡng lão Thị Nghè. Ngày ngày, vợ bán café, chồng chạy xe ôm. Sau này, việc chạy xe ế ẩm, ông Minh mở một điểm vá xe kế bên xe café của vợ.
Trát Thái Bạch Hoàng Nguyên (SN 1978, ngụ tại 110/20 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh) cũng làm nghề lái xe ôm như ông Minh. Năm 2001, Nguyên từng bị TAND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre xử phạt 24 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Sau này, cưới vợ nhưng vẫn chưa sửa được tính cách nóng nảy bộp chộp, không phân biệt lý lẽ phải trái, đúng sai, hễ ai nói hay làm việc gì không vừa ý, Nguyên đánh ngay cho chừa. Họ cũng hay gặp nhau, trò chuyện cùng nhau, lúc thân mật, lúc lại đôi co lời qua tiếng lại. Và rồi, những chuyện “khổ tận cam lai mới đáo tụng đình” lại bắt đầu từ phía ông Minh. 
Vào khoảng 20h10’ ngày 24/5/2012, khi Nguyên đang ngồi chờ khách trước hẻm 72 XVNT, ông Minh trong tình trạng say khướt đến chửi và xô Nguyên té xuống đất. Chẳng thèm cãi vã với đồng nghiệp bị ma men xúi giục, Nguyên lẳng lặng về nhà, cất xe, xách khúc gỗ vuông, dài 30cm, kích thước 6x6cm bổ xuống đầu ông Minh. Mặc kệ ông này ngã quỵ xuống đất, Nguyên quăng cây gỗ ra đất, bỏ về nhà. 
Hàng xóm thấy vậy đưa nạn nhân đến công an trình báo, rồi đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị đến ngày 29/05/2012 xuất viện. Giấy chứng nhận thương tích cho thấy ông Minh nhập viện trong tình trạng còn tỉnh táo, bị hai vết thương đỉnh trái dài 10 x 6cm, sưng bầm thắt lưng trái, không yếu liệt chi, nồng độ Alcol/máu: 298.86 mg/dl. 
Công an phường 21, quận Bình Thạnh tạm giữ Nguyên 1,5 ngày để làm việc. Nguyên khai nhận đã dùng cây vuông (như mô tả ở trên) đánh 3 cái xuống đầu ông Minh. Ra viện, ông Minh yêu cầu Nguyên bồi thường tiền thuốc, nhưng Nguyên không đồng ý. Ngày 12/6/2012, ông Minh nộp đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với Nguyên. Cơ quan điều tra thụ lý vụ án. 
Bị hại vào tù, bị cáo nhiễm HIV
Khổ nỗi, phiên tòa kia chưa xử thì tháng 9/2013 ông Minh lại bị bắt giam với một tội danh khác: “Mua bán trái phép chất ma túy”, án phạt 4 năm tù giam, chấp hành kể từ ngày bị bắt đầu tiên. Chị Nguyễn Xuân Minh (vợ ông Minh) ở nhà, chỉ với xe café bên vỉa hè đường XVNT, phải góp mỗi ngày đủ 300 ngàn đồng cho 6 chủ nợ. Nào là tiền trước đó mượn lo viện phí cho chồng, nào là tiền nuôi hai con nhỏ ăn học, tiền nuôi mẹ già 77 tuổi, rồi tiền tới lui thăm chồng ở trại giam. Mệt mỏi, chị trông chờ tòa nhanh chóng xử để Nguyên chịu bồi thường tiền cho chị giảm bớt gánh nặng nợ nần. 
Đợi mãi mới thấy TAND quận Bình Thạnh gọi chị Minh đến, đề nghị chọn phương án không triệu tập chồng chị về dự phiên xử sơ thẩm ngày 09/12/2013, và chị Minh sẽ làm đại diện yêu cầu mức bồi thường thiệt hại. Chị Minh đồng ý ký giấy không khiếu nại gì về sau. Tại tòa, Nguyên khai nhận hành vi cố ý gây thương tích cho ông Minh. Viện kiểm sát đề nghị phạt Nguyên 6 - 9 tháng tù giam. 
Nguyên trưng giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS nên được Tòa tuyên phạt chỉ 6 tháng tù giam. Về trách nhiệm bồi thường cho phía bị hại, chị Minh chỉ yêu cầu số tiền 10 triệu đồng chị vay mượn lo thuốc thang cho chồng lúc nằm viện, Nguyên đồng ý. Tòa chấp nhận thỏa thuận của hai bên. Nguyên được phép tại ngoại chờ ngày bắt đi chấp hành án. 
Về nhà, phía nhà Nguyên lại trở mặt. Em trai của Nguyên mang 3 triệu đồng đến đưa cho hị Minh cùng câu nói: “Số tiền này gia đình tôi dùng để mướn luật sư cũng vậy, chị cầm lấy mà xoay xở tiền nợ người ta”. Chị Minh giận, trách rằng: “Em có muốn mướn luật sư thì cứ mướn. Còn tiền thì đưa trước tôi 5 triệu đồng, 5 triệu đồng còn lại, tôi nói chuyện với chủ nợ của tôi, rồi bên em tới gặp mà góp cho người ta”.
Điều đáng nói, trong Bản án số 240/2013/HSST của TAND quận Bình Thạnh không hề có chi tiết nào thể hiện sự có mặt của chị Minh, đại diện cho phía bị hại Võ Quang Minh. Bản án lại ghi: Căn cứ Bản giám định pháp y số 321/tgt.13 ngày 24/4/2013 của Trung tâm Pháp y – Sở Y tế TP.HCM đối với đương sự Võ Quang Minh: Chấn thương phần mềm gây rách da đầu vùng đỉnh trái hiện còn hai sẹo màu nâu phẳng kích thước 5,5 x 0,2cm và 5 x 0,2 cm; tỉ lệ thương tật là 0,2% mỗi vết. Chấn thương phần mềm vùng thân hiện không có dấu vết gì, tỉ lệ 0%; các thương tích không gây nguy hiểm đến tính mạng đương sự. Mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 4%. 
Ngày giám định pháp y xảy ra trước ngày xảy ra vụ đánh nhau một tháng; đây là vi phạm tố tụng không thể khắc phục. Tuy nhiên, dù vết thương Nguyên gây ra có tỉ lệ phần trăm nhỏ, không nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân nhưng với hành vi dùng gậy gỗ bổ vào đầu vẫn được xác định là dùng hung khí nguy hiểm, đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”.
Có phải vì những lý do trên mà khi Nguyên nộp đơn kháng cáo cấp phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt, TAND TP.HCM có đến 4 lần báo lịch xét xử cho bị cáo mà chưa hề có một lần nào gửi thư yêu cầu chị Minh đến tham dự phiên tòa? 
Chị Minh không biết gì về chuyện của cơ quan tố tụng. Chị chỉ muốn đòi chút công bằng cho chồng. Chị cũng sợ cấp phúc thẩm thay đổi quyết định, chị không được bồi thường 10 triệu đồng để trả các khoản tiền nợ. Chị Minh chủ động tới lui TAND TP.HCM liên tục để hỏi thăm lịch xử án. Một cán bộ tòa án tên Nga, hỏi: “Chị là đại diện bị hại sao còn lo hơn cả bị cáo nữa? Đâu có ai mời chị đâu mà chị lên Tòa hoài”. 
Bị cáo âm thầm biến mất trước phiên phúc thẩm lần ba
 Mặc dù suốt thời gian dài kể từ ngày nộp đơn kháng cáo, Nguyên vẫn tự do sinh sống tại địa phương, nhưng lịch xét xử phúc thẩm vụ Nguyên “Cố ý gây thương tích” cứ đưa lên rồi gỡ xuống với lý do mà cán bộ Nga thông báo là “không có bị cáo, làm sao xử?”. 
Chị Minh vẫn kiên trì đến tòa theo lịch. Lần xét xử thứ ba được ấn định vào ngày 20/4/2014 nhưng lại tiếp tục được hoãn sang ngày 7/5. Trở về nhà, hàng xóm cho chị Minh hay Nguyên bỏ trốn từ chiều 19/4 rồi. Chẳng ai biết Nguyên đi đâu, nhưng căn cứ vào thông tin mẹ Nguyên đang kinh doanh phụ tùng xe máy ở Campuchia, cộng với việc Nguyên mang hết đồ đạc thường dùng đi cho họ hàng, mọi người đoán là Nguyên đã đi để trốn án phạt. Ngày 7/5, cấp phúc thẩm TAND TPHCM lại hủy lịch xét xử. Chị Minh cung cấp thông tin Nguyên bỏ trốn cho cán bộ Nga biết. Nữ cán bộ còn hỏi ngược lại chị: “Biết sao không thông báo sớm cho Tòa?”. 
Chị Minh hoang mang không biết phải làm sao đòi được công bằng cho chồng, nên nhấc điện thoại gọi vào đường dây nóng của Báo Pháp luật Việt Nam. Khi PV đang trò chuyện cùng chị Minh, có hai chủ nợ đến đòi tiền góp và một cụ bà ở Viện Dưỡng lão mang cho chị bịch thức ăn nhỏ. Chị kể, chiều nào các cụ cũng góp phần thức ăn thừa của mọi người lại với nhau, mang đến cho chị Minh. Các cụ ở Viện nói tội nghiệp chị một mình phải lo tứ bề, chuyện chồng con, nợ nần nên muốn giúp chị lo bữa cơm chiều trong gia đình chị. Đổi lại, thỉnh thoảng chị vào giúp họ dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc trong chỗ họ ở.
“Cơm trong Viện ngon lắm. Có hôm được cho nhiều, mẹ tôi đem hâm nóng lại ăn mà vẫn thấy rất ngon” – chị Minh kể. Người phụ nữ này vẫn trông hoài đến ngày vụ án chồng chị bị cố ý gây thương tích được xét xử, nhưng chưa biết đợi đến bao giờ? 

Đọc thêm