Nhiều nông dân thuê đất trồng sắn cạnh Khu công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chưa hết bàng hoàng khi hàng chục héc ta sắn sắp đến vụ thu hoạch trị giá hàng trăm triệu đồng bị một số kẻ lợi dụng cướp trắng. Mặc dù đã nhiều lần báo cáo, nhưng đến nay chính quyền địa phương và một số cơ quan chức năng vẫn im lặng.
“Cướp” sắn giữa ban ngày
“Nếu ông Sơn không qua đời đột ngột chắc chúng tôi không lâm vào hoàn cảnh éo le này”. Đó là lời than thở của các hộ dân nghèo thuê lại đất của ông Sơn canh tác cây sắn. Theo người bị hại kể lại thì trước năm 2010, ông Trần văn Sơn (SN 1961), quê ở xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào tạm trú tại phường Ea Tam để buôn bán nông sản.
Nhờ quen biết, ông mượn được hơn 20 ha đất trống thuộc Chương trình 134 nằm kề với Cụm công nghiệp Tân An của người dân địa phương để sản xuất. Do làm không hết, ông cho một số người dân ở TP. BMT thuê lại với giá 1,5 triệu đồng/ha để trồng sắn. Trong đó có ông Phan Thanh Hoàng thôn 2, xã Cư Bua, TP. BMT thuê 3,5 ha với giá 8 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Liên phường Thành Công, bà Trần Thị Dung ở thôn 2, xã Cư Bua cùng thuê 7,5 ha giá 11,25 triệu đồng. Bà Phan Thị Thanh ở thôn 7, xã Hòa Phú thuê 5 ha và một số người ở phường Tân An, xã Hòa Phú, Ea Tu và vùng lân cận cũng thuê trên 6 ha đất trồng sắn.
Sau khi nhận đất, những người dân này thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng đầu tư cho mỗi ha sắn trên 15 triệu đồng; dự tính đến tháng 2/2011 thu hoạch ước tính mỗi héc-ta sắn sẽ thu về trên 50 triệu đồng. Nhiều người khấp khởi mừng thầm. Nào ngờ, ngày 1/8/2010, ông Sơn đột qụy qua đời, đầu tháng 12/2010, bà Trần Thị Thanh (em ông Sơn, ở xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, Thái Bình) vào Đắk Lắk cùng với H’Thu B’Krông (ở khối 12, phường Ea Tam) cùng một số đối tượng khác lập mưu chiếm đoạt những nương sắn của những người thuê lại đất của ông Sơn. Ngày 19/12, Thanh cùng H’Thu B’Krông đưa gần 100 người dân mang theo dao, rựa nhổ phá những vườn sắn của các hộ nói trên.
Xót xa, ông Hoàng, bà Liên, bà Dung, ông Danh… có vườn sắn ở đây đến nói chuyện để họ dừng tay, thì bị những người nhổ sắn xách dao rựa, gây gộc đe dọa đánh, chém và rượt đuổi. Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Thấy họ liều lĩnh vừa nhổ vừa chưởi bới và lăm lăm dao rựa chúng tôi đành phải bỏ về”. Còn gia đình ông Tạ Đình Bình (phường Tân An) và một số hộ trồng sắn trong vùng vì lo sợ bị cướp sắn, nên trong ngày 26 và 27/12 đã thuê người thu hoạch sắn non. Ông Bình cho biết: “Biết là hu nhưng thà xanh nhà hơn già đồng, như thế còn vớt vát được ít vốn liếng bỏ ra, chứ như mấy hộ kia coi như mất trắng”.
Chính quyền thờ ơ, người dân mang nợ
Sau khi sự việc xảy ra, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn khẩn cấp kêu cứu và tố cáo hành vi cướp nông sản gửi đến UBND phường Tân An, phường Ea Tam, Công an TP.Buôn Ma Thuột đề nghị giúp đỡ, nhưng các cơ quan chức năng vẫn lặng im. Nhiều ngày sau đó, các đối tượng Thanh, Hòa và H’Thu B’Krông tiếp tục dẫn người đến nhổ sắn của người dân. Quá bức xúc, chiều 28/12/2010 sau khi nghe tin Trần Thị Thanh kẻ chủ mưu trong vụ cướp sắn chuẩn bị đi khỏi địa bàn, nhiều người dân đã kéo nhau đến một gia đình ở khối 6 (phường Tân An) đã chứa chấp đối tượng Thanh để và đã xảy ra xô xát, ông an phường Tân An đã phải can thiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nha cán bộ Tư pháp phường Tân An cho biết: “Lô đất xảy ra tranh chấp dẫn đến hiện tượng cướp mì như các hộ dân phản ánh nằm trên địa bàn phường Tân An, nhưng đơn vị quản lý là phường Ea Tam. Vì vậy khi xẩy ra sự việc chúng tôi đã có mặt kịp thời tại hiện trường nhưng chỉ làm nhiệm vụ ngăn cản để không xẩy ra xô xát, đánh lộn chứ trách nhiệm buộc những người dân nhổ sắn dừng tay thuộc về phường Ea Tam vì lô đất và dân do họ quản lý”.
Trong lúc đang mong mỏi các cơ quan chức năng giải quyết thì các hộ dân bị cướp nông sản hàng tháng vẫn phải đến ngân hàng để trả tiền lãi, còn đối tượng tổ chức vụ cướp sắn tập thể vẫn chưa thấy bị xử lý. Họ mong mỏi cơ quan pháp luật nhanh chóng vào cuộc xử lý những kẻ vi phạm pháp luật để ổn định tình hình địa phương.
Ngọc Quý