Bị giam giữ cách ly không có nghĩa mất hết quyền

(PLO) - Chính phủ cho rằng, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và họ phải chịu sự quản lý, cách ly trong một thời hạn theo quy định của pháp luật nên bị hạn chế một số quyền công dân nhưng vẫn còn quyền con người, các quyền khác theo quy định của Hiến pháp. 
Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ
Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ
Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, chiều qua (2/6), thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam (TGTG), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB)  kiến nghị tăng  cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho người bị TGTG.
Cho khởi kiện “có lợi, không có hại”
Dự thảo Luật đã xây dựng theo hướng quy định nguyên tắc là người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và các luật khác có liên quan (Khoản 5 Điều 4 Dự thảo Luật) và khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật của mình và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án (Khoản 2 Điều 19 và Khoản 2 Điều 35 Dự thảo Luật); đồng thời quy định một điều (Điều 9) về những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo đa số ĐB, người bị TGTG ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm họ vẫn có các quyền nhất định, trong đó có quyền khởi kiện ra Tòa án khi không đồng tình  với kết quả giải quyết khiếu nại về thực hiện chế độ TGTG của VKSND có thẩm quyền. 
Hiện luật giao cho VKSND giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo của người bị TGTG, nhưng thực tế có nhiều trường hợp người khiếu nại không đồng tình kết quả giải quyết của VKSND, nếu không cho họ quyền khởi kiện thì không đồng bộ với pháp luật hiện hành. 
Nên dù Ủy ban Tư pháp khẳng định, khiếu nại về thực hiện chế độ TGTG không phải khiếu nại hành chính mà là khiếu nại tư pháp nên giao cho VKS thực hiện giải quyết, ĐB Đặng Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị qui định quyền khởi kiện để đảm bảo quyền của người bị TGTG. 
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhấn mạnh, quyền khởi kiện là cần thiết vì thời gian qua, một số khiếu nại trong giai đoạn TGTG không được thụ lý dẫn đến việc chưa phát hiện ra các hành vi ép cung, dùng nhục hình nên qui định về khởi kiện trong Dự thảo Luật TGTG là “có lợi chứ không có hại”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại cho rằng, qui định về quyền khởi kiện trong thực hiện chế độ TGTG không đúng trình tự pháp luật nên giữ nguyên như qui định hiện hành, nghĩa là chỉ để VKS giải quyết. Mặc dù đồng tình vơi quan điểm người bị TGTG có quyền khởi kiện song ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) đề nghị, trước mắt chưa bổ sung quy định này trong Dự thảo Luật mà cần có cơ chế để giải quyết khi người khiếu nại không đồng tình với quyết định giải quyết của VKS.
Giám sát để chống bức cung, nhục hình
Theo đánh giá chung, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị TGTG. Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý TGTG gây ra nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. 
Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, một số ĐB đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong Dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý TGTG; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị TGTG trước và sau trích xuất; trách nhiệm của Nhà tạm giữ, trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn TGTG... để bảo đảm căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong TGTG. 
Bên cạnh đó, một số ĐB kiến nghị bổ sung qui định bảo đảm phối hợp VKS và cơ quan điều tra (CQĐT) theo hướng “khi có ý kiến khác nhau, không thực hiện ngay các quyết định để báo cáo lên VKS cấp trên trực tiếp”. Hiện, nếu CQĐT không nhất trí với quyết định của VKS, CQĐT vẫn phải tiến hành và kiến nghị VKS cấp trên trực tiếp là “bó tay” CQĐT, dễ dẫn đến oan, sai vì không phải lúc nào quyết định của VKS cũng đúng.
Thảo luận về Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đa số ĐB không tán thành mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán và kiểm ngư để đảm bảo sự thống nhất, chuyên nghiệp trong hoạt động này. Hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu lưu ý: “Điều tra phải có bài bản, kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra nếu không cứ cho khởi tố thì phức tạp, vi phạm quyền dân chủ… Nếu bổ sung các cơ quan thực hiện điều tra thì phải đi học thêm thì phức tạp nên giữ nguyên mô hình các cơ quan điều tra như hiện nay”.
Tuy nhiên, một số ĐB lại tán thành giao cho lực lượng kiểm ngư thẩm quyền này trong điều kiện an ninh trên biển nhiều phức tạp nhưng cho rằng cơ quan thuế và chứng khoán điều tra là không phù hợp vì tội phạm trong lĩnh vực này là tội phạm ẩn, phải thanh, kiểm tra, xác minh mới xác định được.

Đọc thêm