“Thâu tóm” các nguồn thu để minh bạch ngân sách

(PLO) - Trăn trở của nhiều Đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tại phiên thảo luận sáng qua (2/6) là đảm bảo được thực quyền của Quốc hội đối với ngân sách nhà nước và tính minh bạch của ngân sách nhà nước.
Thuế là nguồn thu chính của ngân sách
Thuế là nguồn thu chính của ngân sách
Quốc hội phải quyết dự toán ngân sách nhà nước
Theo nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đó là giải pháp để Quốc hội (QH) có thực quyền đối với ngân sách nhà nước (NSNN), không chỉ “đồng ý với những gì Chính  phủ trình”. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, thực tế hiện nay QH không quyết khác được những gì Chính phủ trình vì dự toán được Chính phủ xây dựng theo tiêu chí, định mức do Chính  phủ qui định (dù đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội - UBTVQH).
UBTVQH cũng nhận định việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của QH, HĐND; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, UBND… 
Tuy nhiên, quy trình làm dự toán ngân sách qua 2 kỳ họp là chưa thật phù hợp trong tình hình hiện nay, QH một năm chỉ họp 2 kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), QH không quyết định về khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm sau.  
Bên cạnh đó, trường hợp điều chỉnh lại quy định để giao QH quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính - NSNN có tính ổn định cao. 
“Nếu coi NSNN là vấn đề quan trọng thì QH cần thảo luận và quyết định NSNN qua 2 kỳ họp mới kiểm soát được NSNN” – một số ĐB lưu ý. Nhiều ĐB cùng cho rằng, đối với QH, quyền quan trọng nhất đối với NSNN là quyền quyết định ngân sách. 
“Nếu QH muốn kiểm soát NSNN thì trong Luật này và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc QH đặt ra các khoản thu, chi phải là thẩm quyền lập pháp” – ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh. Theo ĐBQH, mỗi năm QH họp 2 kỳ thì không có gì mà không thể đưa ra cho QH quyết định. Nếu xảy ra vấn đề bất thường thì đã có dự phòng.
Công khai, giám sát để ngân sách minh bạch
Đó là yêu cầu được nhiều ĐB đề cập đối với Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) trước khi QH thông qua tại kỳ họp này. Nhưng ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhận thấy qui định về công khai và giám sát ngân sách tại cộng đồng chưa qui định rõ đối tượng phải công khai, chưa thể hiện rõ công khai các nguồn quỹ từ NSNN và các quỹ từ đóng góp của nhân dân.
Phân tích qui định này, ĐB cho rằng qui định cũng chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện ngân sách thôi, chứ cấp ngân sách công khai các quỹ là khó thực hiện được, nên phải hướng dẫn cụ thể các đơn vị, thời hạn công khai, bắt buộc về công khai từ khâu dự toán cho đến chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách.
Nhiều ĐB đồng ý có quỹ ngoài ngân sách, song cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của NSNN, tránh sự chồng chéo trong quản lý và cần phải báo cáo QH về tình hình thu, chi của các quỹ. 
Dẫn thực tế của Quảng Ninh có đến 18 loại quỹ song trừ quỹ bảo vệ môi trường thì đa số là các quỹ qui mô nhỏ, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị có chế tài kiểm soát việc thành lập các loại quỹ, kiểm tra, thanh tra việc quyết toán các loại quỹ để theo dõi. 
ĐBQH đề nghị các đơn vị có nguồn thu quỹ cao, nguồn thu lớn, diện rộng... hàng năm phải báo cáo QH cũng như HĐND về nguồn thu, tránh tình trạng nhiều nguồn thu quỹ hiện nay tính công khai còn hạn chế. 
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng phải qui định về nguồn quỹ của các đơn vị sự nghiệp công đều phải thu về NSNN, tránh bỏ qua một phần của nguồn thu NSNN. 

Đọc thêm