Theo Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu, Nghị quyết 49 về cải cách Tư pháp và kết luận của Bộ Chính trị đã yêu cầu giữ nguyên số cơ quan điều tra và sắp xếp, tinh gọn đầu mối. Do đó, Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự không nên bổ sung thêm lực lượng. Mặt khác việc điều tra đòi hỏi phải có bài bản, có học, có kiến thức, có nghiệp vụ. không phải chỉ cần đến kiến thức chuyên ngành.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Công an, ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) tán thành phương án giữ nguyên lực lượng điều tra như cũ. Theo ông, các cơ quan đã được quy định nhiệm vụ rất rõ ràng, phù hợp với chức năng của mình.
Mặt khác, hoạt động điều tra đòi hỏi trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng thuần thục. Do vậy, nếu bổ sung hoạt động điều tra đối với các cơ quan như Kiểm Lâm, Thuế, Kiểm toán, thì sẽ phải bổ sung nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ. Như thế sẽ tốn kém nguồn lực, tốn kém ngân sách. “Theo tôi, không nên quy định thẩm quyền điều tra cho cơ quan Thuế, Kiểm toán, Kiểm ngư”, ông góp ý.
ĐB Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – cũng không tán thành ý tưởng bổ sung lực lượng vào công tác điều tra. Dẫn chứng từ thực tế công tác điều tra, ông cho biết: Số vụ việc các đơn vị này chuyển cho cơ quan điều tra rất ít, nếu có cũng chỉ từ tố giác tội phạm, việc điều tra phát hiện chứng khoán ngầm rất khó khăn. Tội danh liên quan đến ngành thuế, chứng khoán chủ yếu thuộc vấn đề trách nhiệm.
Lấy ví dụ đối với Kiểm ngư, ĐB Ngô Ngọc Bình (Gia Lai) cũng đồng ý quan điểm không nhất thiết phải bổ sung thêm lực lượng điều tra. Ông phân tích: “Chúng ta biết địa bàn hoạt động của kiểm ngư là trên biển. Nhưng trên biển thì đã có cảnh sát biển, biên phòng, hải quan rồi. Hơn nữa, hoạt động trên biển còn liên quan đến công tác đối ngoại, do đó, những lực lượng như biên phòng, cảnh sát biển là đã đủ”.
Một trong những quy định còn nhiều ý kiến trái chiều của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là thẩm quyền của lực lượng công an xã.
Dự thảo hiện đưa ra phương án giao thẩm quyền điều tra lực lượng này. Phát biểu trong buổi thảo luận, ông Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, nếu giao thẩm quyền điều tra cho công an xã dễ gây đảo lộn hiện trường vụ án.
Trái với quan điểm của ĐB Nguyễn Đình Quyền, Giám đốc CA Tp Hà Nội lại tán thành việc bổ sung thêm thẩm quyền cho công an xã.
Ông cho biết, thực tế ở Hà Nội đã bổ nhiệm Trưởng công an phường là điều tra viên. Với những nơi có địa bàn hiểm trở như miền núi, việc đi lại rất khó khăn, do đó nếu lực lượng công an xã được quyền điều tra, lực lượng này có thể bảo vệ hiện trường và cũng có thể tiếp nhận, thu thập thông tin ban đầu.
Mặt khác, lực lượng công an phường bây giờ đã chuyên nghiệp, còn công an xã hàng năm được đào tạo qua 15 ngày nên hoàn toàn có thể đảm đương nhiệm vụ này.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng nhất trí với việc trao thẩm quyền cho công an xã, phường, thị trấn. Theo ông Thảo, lực lượng này giờ đã công chức hóa, lại cũng được đào tạo nên có thể đảm đương được nhiệm vụ.
Dự kiến, ngày 19/6, QH sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự luật này.