Đây là một trong những cam kết quan trọng được ký kết tại Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam chiều nay, 2/6 trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Nishikawa Koya, Chủ tịch Uỷ ban Nghiên cứu chiến lược Nông- Lâm- ngư nghiệp Nhật Bản, ông Nishikawa Yasuo- Văn phòng Nghị sĩ Nishikawa cùng đại diện Hiệp hội Churashima Okinawa, công ty Green Wind, Công ty Sadazen, công ty ABI, công ty Tư vấn Tổng hợp Yachiyo Engineering, Công ty Ichigo, đại diện các công ty Malaysia, Israel, Úc… và công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng đại diện Bộ KH&CN, 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang.
Theo đó, các bên sẽ hợp tác chặt chẽ để tổ chức triển khai đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào việc trồng vải, bảo quản, chế biến đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu sang nước ngoài. Tổ chức các chương trình marketing phát triển thị trường cho các sản phẩm này tại nước ngoài.
Về lâu dài, chương trình hợp tác giữa các bên sẽ xây dựng và áp dụng hệ tiêu chuẩn quốc tế để triển khai tới các địa phương và đưa nông sản Việt Nam đi xuất khẩu trên nhiều nước trên thế giới. Tiến tới xây dựng thương hiệu cho trái vải Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng các quan khách chứng kiến lễ ký kết ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ nông dân trồng vải |
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý cần thiết tại phía Nhật Bản và đưa ra các yêu cầu cụ thể với phía Việt Nam để đảm bảo Việt Nam có thể xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản; Giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp các hệ tiêu chuẩn, công nghệ cần thiết để trồng, chăm sóc và bảo quản vải đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vào Nhật Bản; Giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu vải thiều của Việt Nam vào Nhật làm việc với các công ty xuất khẩu vải của Việt Nam để hợp tác đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản”, ông Nishikawa Koya khẳng định.
Các doanh nghiệp, nhà khoa học quốc tế khảo sát thực tế tại các địa phương trồng vải thiều |
Hết lời khen ngợi trái vải của Việt Nam “tươi ngon nhất thế giới”, đại diện các công ty tham gia chương trình đều khẳng định sẽ cùng công ty AIC và các nhà khoa học “đưa trái vải Việt Nam” trở nên phổ biến, được ưa chuộng trên thị trường các nước Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu.
Đại diện các địa phương tham gia chương trình lần này cũng chia sẻ rất vui mừng và kỳ vọng chương trình sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Các địa phương cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu quả vải của Việt Nam vào nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các kế hoạch triển khai công việc này. Tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho bà con nông dân trồng vải trong việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng vải để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài.
Đại diện AIC ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản |
Bên cạnh đó, các tỉnh còn cam kết tổ chức marketing phát triển thị trường trong và ngoài nước để hỗ trợ chương trình; phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể xuất khẩu vải Việt Nam sang các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá rất cao chương trình chuyển giao công nghệ lần này, đồng thời khẳng định sẽ cam kết tạo ra các hành lang pháp lý để hỗ trợ chương trình thành công. Đồng thời tổ chức các đơn vị, con người hoặc các thiết bị sẵn có để sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai chương trình này.
Chiều cùng ngày, tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cùng sự tham gia của đại diện 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và đoàn Nhật Bản, Úc, Malaysia, Israel và Công ty AIC, đại diện các bên đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về việc: Hợp tác đưa các ứng dụng khoa học công nghệ cao vào phát triển các nghành nông , lâm, ngư nghiệp Việt Nam cũng như chống biến đổi khí hậu.
Các bên khẳng định, với nỗ lực và quyết tâm cao sẽ cùng nhau mở cánh cửa hội nhập, ứng dụng khoa học công nghệ cao, giúp người nông dân từng bước lựa chọn, tiếp thu và làm chủ các công nghệ cao nhập từ bên ngoài, kết hợp với cải tiến và hiện đại hoá công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, tạo bước chuyển biến mới về nǎng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất Nông, lâm, ngư nghiệp cũng như chống biến đổi khí hậu.
Đại diện các bên ký kết hợp tác đưa các ứng dụng KHCN cao vào phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp Việt Nam. |
Chương trình hợp tác, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp lần này là sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, thiết thực hỗ trợ người nông dân tiếp thu và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Được biết, chương trình hợp tác lần này do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) là đơn vị kết nối và đầu mối triển khai tại Việt Nam. AIC là đơn vị hàng đầu trong công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam.
Từ năm 2005 tới nay, công ty AIC và đặc biệt là Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nghiên cứu và chuyển giao 32 công nghệ tiên tiến nhất thế giới về ứng dụng thành công tại Việt Nam, mang lại nhiều ý nghĩa xã hội phục vụ đời sống con người.
Mới đây, ngày 18-19/4/2015 tại Kyoto và Tokyo (Nhật Bản), Công ty AIC đã ký kết với hàng loạt các đối tác lớn của Nhật Bản để chuyển giao thêm 12 công nghệ mới vào Việt Nam.
Đây là những công nghệ tiên tiến, đã được AIC và các nhà khoa học Nhật Bản thử nghiệm trong một thời gian để kiểm chứng sự tương thích, phù hợp và tính hiệu quả. Các tập đoàn của Nhật Bản và AIC đã thoả thuận ký kết hợp tác giành khoản tài trợ 20 triệu USD để đưa các sản phẩm tặng cho Việt Nam. Sau đó sẽ phối hợp để cải tiến công nghệ, sản xuất để hạ giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng để phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Chiều ngày 2/6/2015, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp Nhật Bản, Úc, Malaysia, Israel cùng đại diện 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về việc: Hợp tác đưa các ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ cho nhân dân các vùng trồng vải của 3 tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài trong năm 2015 và các năm tiếp theo.