Bị hại có đơn tố cáo sau khi “được CQĐT cung cấp tài liệu”

(PLO) - Bị cho là có hành vi vay tiền rồi cung cấp chứng từ giả, sửa chữa chứng từ xác nhận trả nợ để chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng của 3 chủ nợ, bị cáo Võ Thị Kim Chung (SN 1972, trú tại  phường Hoa Lư, TP.Pleiku, Gia Lai) đã bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Võ Thị Kim Chung.
Bị cáo Võ Thị Kim Chung.
Nhưng nhiều chứng cứ và tình tiết trong vụ án này cho thấy, cáo buộc Chung “gian dối” để chiếm đoạt tiền cần phải được đánh giá lại một cách khách quan để tránh “hình sự hóa” quan hệ vay, mượn tiền thông thường.
Giám định “bó tay”, vẫn bị cáo buộc “viết thêm”
Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cấp sơ thẩm thì từ năm 2009 đến năm 2012, Chung đã nhiều lần vay tiền của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, vợ chồng ông Lê Văn Hồng với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Sau đó, Chung đã  cung cấp giấy tờ giả, viết thêm vào các giấy xác nhận trả nợ, kê khống số tiền đã trả, giảm số tiền còn nợ để chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng tiền vay. 
Đối với trường hợp của bà Hồng, cơ quan THTT sơ thẩm cho rằng, ngày 14/12/2011 (âm lịch), Chung trả bà Hồng 90 triệu đồng và hai bên đã có Giấy thỏa thuận nợ. Sau đó, Chung đã “ghi thêm” vào tờ giấy này nội dung mình chỉ còn nợ bà Hồng 180 triệu nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ 2,52 tỷ đồng. Trong khi đó, Chung một mực khẳng định mình không ghi thêm và chữ ký trong tờ giấy này là của bà Hồng. Còn bà Hồng thì cho rằng mình không ký vào giấy này. Chỉ đến khi Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an (KHHS BCA), phân viện tại Đà Nẵng kết luận “chữ ký có dạng Ng~ Thị  Hg’ trên Giấy thỏa thuận và chữ ký Nguyễn Thị Thu Hồng trên tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người viết ra” thì bà Hồng mới thừa nhận chữ ký này của mình nhưng lại cho rằng “Chung viết thêm nội dung vào giấy xác nhận nợ có chữ ký thật của mình”. Trong khi dòng chữ bị coi là “viết thêm” không thể giám định được là viết cùng thời điểm hay viết sau các dòng khác nhưng cơ quan THTT vẫn cho rằng, “đủ cơ sở khẳng định Chung viết thêm vào”. 
Giống như trường hợp trên, Kết luận giám định (KLGĐ) không thể hiện được nội dung nào viết trước, nội dung nào viết sau nhưng cơ quan THTT vẫn cho rằng Chung đã viết thêm vào Biên bản thỏa thuận ngày 08/1/2013 với vợ chồng ông Hồng để “giảm” số nợ xuống còn 420 triệu, chiếm đoạt 482 triệu tiền vay.
Cần thiết phải “trưng cầu giám định lại”?
Còn đối với trường hợp của bị hại Hà, cơ quan THTT cho rằng Chung đã giả chữ ký của bị hại này tại Biên bản thỏa thuận (ghi ngày 28/12/2012, có chữ ký bà Hà) thể hiện số nợ chỉ còn 600 triệu đồng, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng tiền vay. Trong khi Chung khẳng định chữ ký này của bà Hà thì KLGĐ của Phòng kỹ thuật hình sự (KTHS)- CA tỉnh Gia Lai lại thể hiện, chữ ký này không phải của bà Hà.
Trước việc chối tội của bị cáo, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai đã phải trưng cầu giám định bổ sung và Phòng KTHS vẫn có kết luận “không phải là chữ ký của bà Hà”.
Về vấn đề này, Luật sư Ngô Ngọc Trai - Giám đốc Cty Luật TNHH Công Chính cho rằng, theo quy định của Luật Giám định tư pháp thì việc tiến hành trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp này là không đúng tố tụng. Nếu đã có KLGĐ rồi mà còn nghi ngờ độ chính xác thì phải “trưng cầu giám định lại” mới đúng thủ tục. Việc giám định này phải do Viện KHHS BCA thực hiện mới đảm bảo sự chính xác khách quan chứ không thể trưng cầu ở cơ quan đã tiến hành giám định lần 1 (Phòng KTHS, CA Gia Lai) được. 
Vụ việc có bị hình sự hóa? 
Để chứng minh hành vi phạm tội của Chung, một số luật sư cho rằng, trong vụ án này, cơ quan THTT phải chứng minh việc Chung có hành vi viết giấy tờ giả, rồi “cung cấp” (đưa ra) giấy tờ giả này cho bị hại để cho rằng mình đã trả được phần lớn số nợ. Lúc này mới có cơ sở để kết luận Chung có mục đích “chiếm đoạt”. Điều này có nghĩa, nếu Chung có làm giả giấy tờ xác nhận nợ đi chăng nữa nhưng bị cáo này không đưa ra để “quỵt nợ” thì tội phạm chưa hoàn thành. 
Tuy nhiên, trong vụ án này thì những giấy tờ bị cơ quan CSĐT coi là “giả mạo” này đều được Chung đưa ra khi cơ quan CSĐT đã vào cuộc xác minh, điều tra. Tức là thời điểm bà Hà, bà Hồng có đơn tố cáo Chung chiếm đoạt tài sản thì chưa có bất cứ các giấy tờ bị coi là giả nào cả, tức là chưa thể khẳng định Chung có mục đích “chiếm đoạt được”. Theo Cáo trạng thì thời điểm này bà Hà, bà Hồng có đơn tố cáo Chung do “đến hạn mà Chung không trả nợ” chứ không phải vì Chung đưa ra giấy tờ giả để “quỵt nợ”.
Việc “vay nợ quá hạn” này chỉ là quan hệ dân sự, tranh chấp về nợ sẽ do Tòa án giải quyết, tại sao CQĐT đã vội vàng vào cuộc. Đó là chưa kể rất nhiều các khoản nợ của Chung đối với bà Hà đều có “người bảo lãnh”. Kể cả trưởng hợp Chung mất khả năng thanh toán thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ, tại sao cứ đòi Chung? .
Sau khi CQĐT vào cuộc một thời gian thì mới xuất hiện các giấy tờ bị coi là giả nói trên. Thậm chí, có giấy được thu thập rất vô lý: Chung đã bị bắt tạm giam từ tháng 2/2014 nhưng đến tháng 7/2014 vẫn có giấy tờ giao nộp cho công an.
Đáng nói hơn, vợ chồng ông Hồng được coi là bị Chung chiếm đoạt tiền trong vụ án này nhưng cũng không biết mình bị chiếm đoạt thế nào, không có đơn tố cáo. Chỉ khi CQĐT gọi vợ chồng ông này lên để “nghiên cứu tài liệu do CQĐT cung cấp” thì họ mới có đơn tố giác Chung.
Như vậy, việc xuất hiện các giấy tờ bị coi là giả mạo trên cũng như mục đích xuất hiện của chúng là điều cần phải làm rõ trong vụ án này. 

Đọc thêm