TAND tỉnh Hà Nam vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên y án 10 năm 6 tháng đối với Nguyễn Văn Bản (63 tuổi, trú tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, Hà Nam) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Hành vi cưỡng đoạt của bị cáo thể hiện ở việc: lợi dụng lúc ông Hồ Văn Mênh (cán bộ địa chính xã Đại Cương) bị Công an điều tra về sai phạm trong việc thu tiền đất của dân tại địa phương, bị cáo Bản đã phô tô giấy biên nhận tiền (thể hiện việc ông Mênh nhận tiền của gia đình bị cáo) để đe dọa, uy hiếp tinh thần vợ chồng ông Mênh, buộc vợ ông Mênh phải trả 400 triệu trái ý muốn.
Lời khai bị hại “đá” bản án
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo tiếp tục khẳng định việc gia đình bị cáo Bản bị thiệt hại là có thật do ông Mênh đã “ỉm” một phần tiền nộp cho địa phương xin hợp thức hóa đất. LS Lưu Quang Nhu (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, bản chất của việc vợ chồng ông Mênh đưa cho bị cáo 400 triệu là thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại theo Khoản 2 Điều 9 Bộ luật Dân sự.
Nếu cho rằng mức tiền do bị cáo đưa ra không phù hợp với thực tế thì ông Mênh có thể yêu cầu tòa án hoặc cơ quan Nhà nước xác định lại mức bồi thường. Việc Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện Kim Bảng khởi tố ông Bản là hình sự hóa quan hệ dân sự.
LS Nhu phân tích, để kết luận bị cáo có hành vi cưỡng đoạt tài sản thì phải làm rõ việc bị cáo có hành vi “đe doạ sẽ dùng vũ lực” hay thủ đoạn “uy hiếp tinh thần” bị hại. Ở vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) đã cho rằng bị cáo đã “dọa tố cáo”, tức là coi bị cáo đã dùng thủ đoạn “uy hiếp tinh thần” chứ không không cho rằng có việc “đe dọa dùng vũ lực” đối với bị hại.
Nhưng việc quy kết bị cáo có nói câu “ông bà tính thế nào thì tính, sau này có chuyện gì xảy ra thì đừng trách tôi chỗ bạn bè không nói trước” lại chỉ dựa vào lời khai của bà Lương (vợ ông Mênh), và lời khai này lại mâu thuẫn với lời khai của chính ông Mênh.
“Tréo ngoe” ở chỗ, ngay tại phiên tòa sơ thẩm, cả hai vợ chồng ông Mênh đều khẳng định họ không sợ bị tố cáo. Biên bản phiên tòa sơ thẩm thể hiện rõ lời khai của ông Mênh: “Tôi không lo sợ việc ông Bản có đơn thư kiện tụng tôi, vì tôi sai không nhiều. Tôi chỉ sợ ông Bản thuê côn đồ đe dọa đánh tôi thì mang tiếng với xóm làng…”.
Như vậy rõ ràng bị cáo không có hành vi và cũng không thể “uy hiếp” được tinh thần của bị hại như nhận định tại bản án sơ thẩm.
Bị hại thừa nhận có thu “lố” tiền và từng chủ động đề nghị được bồi thường
Trong phần đối đáp, đại diện VKSND tỉnh Hà Nam cho rằng, sau khi có bị bị cáo đe “ông bà tính thế nào thì tính, sau này có chuyện gì xảy ra thì đừng trách tôi là chỗ bạn bè quen biết không nói trước” thì vợ chồng ông Mênh lo sợ và buộc phải đưa tiền.
Phản bác quan điểm này LS Nhu cho hay, tại CQĐT, ông Mênh đã khai: “Sau khi kiểm tra, tôi thấy số tiền thu của ông Bản nhiều hơn số tiền nộp vào ngân sách”. Còn vợ ông Mênh thì khai: “Tôi đề nghị anh Bản tính giá tiền lúc thu năm 1998, theo giá vàng hiện khoảng 100 triệu… Ông Mênh đưa cho tôi 6 triệu và nói “mai ông Bản đến thì đưa trả cho ông Bản”; “khi ông Bản đến đòi tiền đất do chồng tôi thu sai từ năm 1998-1999, gia đình tôi tự nguyện trả cho ông Bản”.
Đặc biệt, bà Lương còn khai rõ về việc vợ chồng bà đưa tiền (6 triệu) hoặc chủ động đưa ra phương thức bồi thường theo giá vàng đều diễn ra trước khi có câu nói “… có chuyện gì xảy ra thì đừng trách…” của bị cáo. Theo LS Như, việc bị hại chủ động đề nghị được bồi thường như trên (khi bị cáo chưa có sự đe dọa nào) càng chứng tỏ có việc bị hại gây thiệt hại cho bị cáo và việc bồi thường tiền chỉ là quan hệ dân sự, có sự tự nguyện. Đang là người bị thiệt hại do bị chiếm đoạt tiền suốt 16 năm, nhưng khi nhận tiền bồi thường, bị cáo Mênh lại bị quy “cưỡng đoạt tài sản” là vô lý, có dấu hiệu bị oan sai.
Từ quan điểm này, LS Nhu đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên bị cáo Bản không phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm vẫn tuyên y án và lặp lại quan điểm của Tòa cấp sơ thẩm rằng, bị cáo đã có câu nói khiến ông Mênh ảnh hưởng đến tinh thần và buộc phải đưa tiền.