Bi kịch anh em “nồi da xáo thịt” vì miếng đất

(PLO) - Chỉ vì tranh chấp xoay quanh miếng đất của cha mẹ để lại, anh chết, em vào tù cùng những vết nứt về tình cảm gia đình không biết đến khi nào mới có thể hàn gắn.
ngôi nhà hai vợ chồng nạn nhân đã từng sinh sống

Án mạng trong đám giỗ

Cho đến bây giờ, người dân xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rùng mình khi nhắc lại sự việc Phan Tấn Đức (SN 1973, trú tại xã Ea Wy) ra tay sát hại chính anh ruột của mình là Phan Tấn Hiệp (SN 1961).

Sau đoạn đường đất đỏ lầy lội dài khoảng 5km từ trung tâm huyện Ea H’leo, tôi mới đến được xã Ea Wy vào lúc xế chiều. Là một xã vùng sâu, chủ yếu là người gốc xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi) chân chất, thật thà lên đây làm kinh tế nên mọi người sống với nhau rất ôn hòa. Sự việc ông Hiệp bị chính em trai mình đánh dẫn tới tử vong khiến ai cũng xót xa. 

“Xóm làng ai cũng biết nhà ông Hiệp đông anh em, nhưng trước giờ chẳng có mấy khi nghe thấy chuyện to tiếng cãi vã nói gì tới đánh nhau. Ấy vậy mà lại xảy ra chuyện tày đình, án mạng thương tâm. Thật là không thể tin nổi”, một người dân trong xã chia sẻ.

Vào ngày 13/9/2012, tại nhà ông Phan Thi (cha đẻ của nạn nhân và hung thủ) có tổ chức đám giỗ. Tới đám có đầy đủ con cháu trong gia đình. Đến khoảng 2h chiều cùng ngày, khi đã tàn tiệc mọi người lần lượt ra về chỉ còn lại ba anh em ông Hiệp, Đức và Trung ngồi lại tiếp tục uống rượu. 

Rượu vào lời ra, sau một hồi “chén chú chén anh” giữa ông Hiệp và 2 người em trai xảy ra mâu thuẫn xuất phát từ chuyện miếng đất mà ông bà Thi có ý định để lại cho Đức. Dù đã năm lần bảy lượt Đức yêu cầu ông Hiệp ký vào biên bản phân chia tài sản để mình có thể làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) nhưng không được chấp thuận. 

Quá tức tối, Đức đã dùng cây gậy ngoài sân đánh một nhát chí mạng vào mặt anh trai. Bị đánh bất ngờ, ông Hiệp ngã gục xuống nền nhà. Dù chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng Trung không can ngăn. Khi thấy ông Hiệp ngã gục trên vũng máu cả hai đứa em bỏ đi mà không đưa nạn nhân đi cấp cứu. 

Đến khoảng 3h30 phút cùng ngày, vợ nạn nhân không thấy chồng về nên quay lại nhà cha chồng tìm. Khi tới nơi, thấy cửa nhà đóng kín, nghĩ chồng mình đang ngủ trong nhà hoặc đi chơi đâu đó nên quay về. Về tới nửa đường, bà nhận được điện thoại của một người hàng xóm báo tin, ông Hiệp bị đánh và đang nằm bất tỉnh trong nhà bố đẻ. 

“Lúc đó tôi không tin, vì từ trước tới giờ dù nhà đông anh em nhưng mọi người sống rất hòa thuận, ít khi xảy ra bất đồng. Dù vậy, tôi vẫn quyết định quay lại, vừa kéo cánh cửa ra chân tay tôi như rụng rời, mắt hoa lên, miệng ú ớ không thành lời. Chồng tôi nằm thoi thóp trên vũng máu”, vợ của nạn nhân nói trong nghẹn ngào.

Thấy vậy mọi người vội đỡ bà ngồi dậy và gọi người đưa ông Hiệp đi cấp cứu, nhưng đi được khoảng hơn 10km thì ông Hiệp không qua khỏi. “Nếu hôm đó mà đưa đi cấp cứu sớm thì chắc chắn không đến nỗi ông ấy phải mất mạng”, người vợ kể lại. Sau khi sự việc xảy ra, Đức vội vàng bỏ trốn, đến ngày 17/9/2012 thì bị bắt khi đang lẩn trốn. 

Về mâu thuẫn giữa ông Hiệp và Đức, cách đó khoảng 3 năm, do tuổi già và làm ăn khó khăn nên vợ chồng ông Thi có bán cho con trai thứ của mình là Phan Tấn Đức một miếng đất nhưng ông Thi chỉ nhận tiền chứ không thông báo cho bất cứ người con nào trong gia đình biết. 

Đến khi Đức yêu cầu các anh chị em của mình ký vào biên bản phân chia tài sản để có thể làm sổ đỏ cho miếng đất thì mọi việc mới vỡ lở. Anh em trong gia đình ai cũng bất ngờ nhưng để giữ hòa khí nên ai cũng “nhắm mắt cho qua”. Chỉ có riêng ông Hiệp là không đồng ý. 

vợ nạn nhân chia sẻ với phóng viên

“Trước đây cũng có vài lần Đức đề nghị chồng tôi ký vào biên bản nhưng ông ấy đều không chịu. Nghĩ mọi chuyện có thể giải quyết tình cảm chứ tôi cũng không nghĩ mọi việc lại xảy ra như thế. Nhà tôi có sáu người con thì 4 đứa đã thành gia thất cả rồi. Vợ chồng tôi cũng lớn tuổi, đâu còn sống được bao lâu nữa mà tranh giành đất cát với mấy người đó”, bà Nhiên chia sẻ.

“Đến lúc dư giả thì ông ấy lại đi”

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 9 anh chị em. Do hoàn cảnh khó khăn nên năm 1979 ông Hiệp theo cha mẹ từ Quảng Nam lên Tây Nguyên làm kinh tế mới. Năm sau, ông lấy vợ và lần lượt 6 người con ra đời. Thấy làm nông vất vả, thu nhập lại bấp bênh nên hai vợ chồng bàn nhau cố gắng cho cả 6 người con mình ăn học. 

Để có tiền lo cho con, ngoài việc làm rẫy hai vợ chồng ông Hiệp còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Những ngày đầu ra ở riêng, bao khó khăn vất vả đổ dồn. Có những khi phải dậy từ hai ba giờ sáng để đi làm thuê, hay khi mùa màng thất bát nhưng tất cả đều không thể khuất phục được hai vợ chồng. 

Sau một thời gian làm thuê, thấy công việc vất vả lại thu nhập thấp nên hai người quyết định mở quán ăn. Do chịu khó làm ăn, lại “thuận vợ thuận chồng” nên việc làm ăn buôn bán thuận lợi, thu nhập cũng vì thế được cải thiện rất nhiều.

“Thấy các con lớn lên thành đạt, vợ chồng tôi đang tính xây lại căn nhà để sống lúc tuổi già, ai ngờ đâu ông ấy lại ra đi như thế. Lúc khó khăn bần hàn thì có vợ có chồng, đến lúc dư giả thì ông ấy lại bỏ mẹ con tôi mà đi”.

Người ta vẫn bảo “sẩy cha còn chú”, đằng này sau khi người cha mất mạng dưới tay em mình thì những người khác cũng quay lưng lại với gia đình nạn nhân khiến cho nỗi đau của người phụ nữ mất chồng càng nhân lên. 

Vợ nạn nhân buồn rầu cho biết “Kể từ khi chồng tôi chết, đáng ra gia đình chú Đức và bên nội nên chia sẻ thì lại quay mặt lại với mẹ con tôi. Mọi người cho rằng, vì tôi mà chú ấy phải đi tù. Mọi người đâu có hiểu, tội ác thì phải bị pháp luật trừng trị. Tôi xin cho chú ấy thì chỉ có thể giảm án chứ không thể nào xóa sạch tội lỗi được”. 

Vợ nạn nhân cho biết thêm: Sau khi chồng bà chết, người bố chồng đã mang tiền và một lá đơn đến yêu cầu vợ ông Hiệp xác nhận là chồng bà chết vì say rượu. Tuy nhiên, lúc đó ông Đức đang bỏ trốn, chưa tìm ra thủ phạm nên người vợ tiếp tục làm đơn kêu oan để điều tra tìm rõ hung thủ là ai. 

Người vợ gạt nước mắt nói: “Ngày ấy, nếu như cha tôi và chú ấy sang nói rõ rằng lỡ tay làm chồng tôi mất mạng thì có khi tôi cũng không làm đơn gửi các cơ quan làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng tôi. Đằng này, gia đình nhà chồng cứ khăng khăng là chồng tôi uống rượu say tự ngã nên tôi mới đi tới tận cùng chân lý. Ai dè, chính việc làm đó lại khiến tôi đã mất chồng lại mất tiếp gia đình chồng”. 

Nói rồi người phụ nữ thêm nghẹn ngào nói: “Dù gì chú Đức vẫn còn được về với vợ con còn như chồng tôi thì chả bao giờ được thấy vợ con nữa”.

Vụ án khép lại với mức án 5 năm tù vì tội “cố ý gây thương tích” dành cho Đức. Chỉ vì một phút không kìm chế bản thân mà anh chết em vào tù, nhưng đằng sau đó là một vết nứt tình cảm gia đình không biết đến bao giờ mới có thể hàn gắn được.

Đọc thêm