Trong cuốn sách “Cùng con bước qua tuổi teen” vừa ra mắt mới đây, tác giả Chu Hồng Vân đã kể lại câu chuyện về những lá thư trong một cuộc họp phụ huynh của lớp 7 tại một trường THCS&THPT ở Hà Nội. Cô giáo chủ nhiệm đề nghị các bố mẹ lắng nghe những lá thư của học sinh. Những lá thư đều được mở đầu bằng dòng chữ “Bố mẹ kính mến” hoặc “Bức thư gửi bố, mẹ”.
Nhưng thực chất, những lá thư ấy không được gửi cho bố, mẹ mà chỉ chuyển cho cô giáo chủ nhiệm, nơi mà những đứa trẻ tin rằng sẽ không bị mắng, bị đánh khi nó được đọc.
Trong một lá thư, em học sinh viết: “Trong mắt bố mẹ, con lười biếng, không biết giúp đỡ bố mẹ. Những lúc thi hay kiểm tra, lúc nào con cũng phải cố gắng làm tốt nhất có thể không phải vì con yêu thích việc học mà vì con sợ. Con sợ bố mẹ sẽ không được ngẩng cao đầu khoe với người ngoài, sợ bố mẹ thất vọng. Nhưng những cố gắng của con hình như không chạm tới bố mẹ thì phải vì cụm từ “con nhà người ta” vẫn được mang ra để so sánh.
Một lá thư khác với nét chữ bị nhòe nước, như thể thấm đẫm nước mắt: “Bố ạ, con muốn được bố khen ngợi con nhiều hơn thay vì chỉ nói “Thế đã là cái gì?” hay “Học nhiều không chết được đâu, chơi nhiều mới chết”. Có lần con đi thi IELTS về, khi nói kết quả, bố đã bảo con “khi nào được 9.0 thì hãy khoe”. Bố có biết con buồn lắm không, con đã khóc rất nhiều vì không hiểu sao bố lại nói như vậy. Khóc vì con không thể đạt được 9.0 cho bố vui. Con chỉ cần bố nói “Ừ, tốt lắm thôi mà!”. Bố biết con yêu bố rất nhiều nhưng bố không tôn trọng điều đó.”
Trong tập thư của học sinh chuyển cho cô giáo Thu Hà, còn có những bức thư vô cùng nặng nề. Có học sinh đã cho rằng “dù bố mẹ luôn cố tạo hình ảnh đẹp, hoàn hảo trong mắt con nhưng hình ảnh đó giờ đã sụp đổ rồi”. Một vài học sinh kể về nỗi sợ hãi phải học thêm hết ca này đến ca khác. Càng học, càng áp lực, các con càng sa sút và sợ hãi với kết quả sút kém. Trong một bức thư, em học sinh đã kể chuyện từng bị bố đuổi khỏi nhà, dọa “tát lật mặt”, bị mắng là “bất hiếu”, “mất dạy” và có em bị đánh vì điểm số học tập. Có em viết “sức người chỉ có giới hạn nhưng kỳ vọng của cha mẹ dường như vô hạn”.
Và cũng mới đây, em Lê Thị Ngọc Ý, lớp 10A7, Trường THPT Trần Văn Kiết, Chợ Lách, Bến Tre cũng đã có một tâm thư khá rõ về hội chứng “con người ta”. Trong thư, cô bé viết: Có ai đã từng nghĩ rằng, đằng sau những bảng thành tích và điểm số mà chúng tôi đã đạt được thì hằng đêm chúng tôi đã phải cố gắng, lao lực như thế nào không? Chắc hẳn mọi câu trả lời đều là: “Không”. Bởi vì nếu như họ chịu đặt mình vào vị trí của chúng tôi một lần thì sẽ hiểu được cảm giác mà chúng tôi đang phải gánh chịu đó là “Áp lực về học tập”.
Áp lực mà quan trọng nhất đối với học sinh thì phải nói đến áp lực gia đình, đây luôn là vấn đề từ xưa đến nay của xã hội. Bởi vì cha mẹ nào cũng muốn con mình được học sinh giỏi, phải nằm trong top đầu của lớp để hãnh diện với mọi người xung quanh. Cha mẹ luôn muốn con cái làm theo ý họ, không được chọn trường mình yêu thích, không được thực hiện niềm đam mê, mơ ước của mình. Nhiều cha mẹ định hướng cho con mình học ngành mà theo họ thấy “dễ xin việc”, “có tương lai”, hay “theo nghiệp của gia đình” từ xưa đến nay, nó khiến các con bị gò bó, khó chịu khi chưa được cha mẹ ủng hộ về nghề nghiệp trong tương lai đúng với sở thích, năng lực của mình mà đã phải đi theo những cái mà cha mẹ vạch sẵn ra.
Chỉ vì không thực hiện được niềm hi vọng của cha mẹ mà nhiều bạn đã tìm đến con đường cuối cùng là “chết” để giải thoát cho bản thân mình. Cũng vừa qua ở TP HCM xảy ra một số trường hợp như vậy chỉ vì thất vọng về bản thân, áp lực xung quanh mà các bạn đã ra đi với cái tuổi đời còn quá trẻ nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh dành cho cha mẹ nào đang thúc ép con mình phải học giỏi, đạt nhiều thành tích.
Còn ở góc độ các phụ huynh, một giáo viên ở TP HCM nhận xét, điều đáng sợ nhất là phụ huynh, nhiều người cạnh tranh, ghen tỵ và kèn cựa nhau đến khổ. Suốt ngày vẫn lùng sục để đi học thêm hết nơi này tới nơi khác, phân bì tỵ nạnh nhau từng nửa điểm. Tội nghiệp đứa trẻ, mỗi ngày đi học lại thấy một ngày chưa hài lòng bản thân và hài lòng ba mẹ. Và nếu cứ chạy đua trong các cuộc cạnh tranh tuyển chọn khốc liệt, nếu cứ cố đạt điểm cao, vậy có làm triệt tiêu tính sáng tạo, dám khác biệt của con? Con có khó bao dung và hợp tác, những điều con rất cần trong cuộc sống tương lai không?
Trước những áp lực căng thẳng mà chính cha mẹ đặt ra, nhà giáo Tô Thụy Diễm Quyên bày tỏ: Xin đừng lấy thành tích học tập của con để đo mức độ thành công trong việc giáo dục con và là định lượng cho phúc đức gia đình nữa! Xin đừng ép con học để đạt học sinh giỏi, thi đậu trường chuyên, đạt được nhiều giải thưởng chỉ vì sĩ diện của cha mẹ nữa! Chúng ta không cần những thần đồng. Xin các bố mẹ hãy ngưng việc tạo áp lực học tập với con. Điểm số chỉ có ý nghĩa trong một năm học mà thôi! Những con điểm ấy không đi theo con chúng ta suốt đời và không đánh giá được nhân cách và tài năng của con chúng ta đâu!
Hãy cho con sống theo cách của con, vui vẻ theo cách của con. Xin đừng tạo thêm bi kịch cho bất kỳ đứa trẻ nào...