Nhiều người dân xứ Huế đã bớt, hoặc dứt bệnh nhờ tự làm bài thuốc chữa bệnh thận hư (thận nhiễm mỡ) theo công thức bài thuốc của Lương y Nguyễn Hữu Hoạt (75 tuổi, ngụ thôn Xuân Hoà, phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Ông Hoạt khám chữa bệnh miễn phí cho một cụ bà tại nhà |
Bài thuốc “tự xử”
Ông Hoạt cho biết bất kể ở bất kỳ lứa tuổi nào, trai hay gái đều có thể mắc phải bệnh thận nhiễm mỡ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do ăn quá nhiều thức ăn mặn, cay, ăn thức ăn nhiều mỡ động vật... Người bị mắc bệnh thận nhiễm mỡ thường xuất hiện các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, biếng ăn và mất ngủ kéo dài.
“Thời gian về sau ngoài những triệu chứng trên người bệnh còn bị phù nề chân tay, không có cảm giác muốn ăn. Việc đại tiện, tiểu tiện của người mắc chứng bệnh này cũng ít hơn so với người bình thường. Nếu không được chữa trị kịp thời, lượng mỡ trong cơ thể sẽ chèn ép các mạch máu dẫn đến người bệnh có thể bị tử vong”, lương y Hoạt nói về tác hại của bệnh thận nhiễm mỡ khá phổ biến hiện nay.
Với bài thuốc gia truyền của mình, ông Hoạt tự tin “trấn an” người bệnh rằng có thể yên tâm điều trị và những ai bị bệnh ở xa có thể tự tìm kiếm cây thuốc để điều trị tại gia. Nói về bài thuốc gia truyền mình đang sở hữu có tác dụng chữa trị bệnh thận nhiễm mỡ, ông Hoạt cho biết gồm sáu vị thuốc, trong đó quan trọng nhất là Thổ phục linh (dân gian còn gọi là cây Khúc khắc - PV).
“Đào cây Khúc khắc lên rồi rửa sạch đem ngâm nước vo gạo một đêm. Sau đó thái mỏng cây, phơi khô rồi sao cho đến khi chuyển màu vàng. Vị thuốc này có tác dụng giúp tiêu mỡ và bài tiết chất độc ra ngoài qua đường tiết mồ hôi, tiểu tiện”, ông Hoạt giải thích. Ngoài cây Thổ phục linh giữ vai trò chủ đạo của bài thuốc, cần có thêm 5 loại thảo dược khác là: Cây nắp ấm, ý dĩ (hạt bo bo - PV), cây ngấy tía, cây lá lốt và cây sả.
Cụ thể tác dụng từng cây thuốc, theo ông Hoạt là như sau: “Cây nắp ấm có tính mát, giúp lợi tiểu và đưa “thấp” (yếu tố ẩm ướt) ra ngoài. Hạt bo bo có chức năng bổ dưỡng can thận, còn cây ngấy tía đảm nhiệm chức năng dưỡng huyết. Hai vị cuối cùng là cây lá lốt và sả ngoài tác dụng đưa “thấp” ra khỏi cơ thể người bệnh còn có “nhiệm vụ” bài trừ phong rất hiệu quả”.
Tất cả sáu vị thuốc trên đều được sao khô, trộn đều với nhau và sắc lấy nước uống hằng ngày. “Mỗi lần nấu dùng khoảng 150 gam lá thuốc tức một thang thuốc. Lần đầu sắc 3 chén nước thành một chén, lần hai sắc 3 chén lấy hơn nửa chén. Uống đều đặn nước thuốc sau mỗi bữa ăn. Mỗi ngày uống một thang, kiên trì uống ít nhất sau hai tuần sẽ cho hiệu quả rõ rệt”, lương y Hoạt khẳng định.
Điều trị bằng bài thuốc nam gia truyền trên, người bệnh cần kiêng cữ tuyệt đối thức ăn có mỡ, thực phẩm chiên xào, thức ăn có vị cay, nồng như hạt tiêu, ớt. Ông Hoạt có lời khuyên, để mang lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên cố gắng ăn nhạt. “Ít nhất phải ăn nhạt trong vòng nửa năm. Khi bệnh tình thuyên giảm rồi vẫn phải giữ thói quen ăn nhạt, tránh tình trạng bệnh tái phát rất khó chữa”, ông nói.
Cây lá lốt, một trong sáu vị thuốc của bài thuốc chữa thận hư |
“Bí kíp” được tìm lại
Được biết bài thuốc nam chữa trị bệnh thận nhiễm mỡ là “báu vật” của gia đình ông Hoạt đã được lưu truyền qua nhiều đời. “Năm 12 tuổi tôi bắt đầu theo học nghề thuốc từ các thầy lang khác nhau. Thời gian này nghe chú bác kể lại rằng ông tổ có bài thuốc chữa thận nổi tiếng nên quyết định tìm lại bằng được. Khó khăn nhất là tất cả tài liệu đều được viết bằng Hán văn nên phải mất đến vài năm tôi mới nhờ người ta dịch hoàn chỉnh. Phức tạp không kém nữa là công đoạn xác định chính xác từng cây thuốc, bởi tên gọi trên giấy tờ và trong thực tế của chúng rất khác nhau”, lương y Hoạt kể về hành trình tìm lại “bí kíp” gia truyền.
Được cho là đặc trị như vậy nhưng thật bất ngờ khi lương y Hoạt cho biết giá bán mỗi thang thuốc chỉ 25 ngàn đồng, tức giá chỉ bằng một cốc cà phê và không đủ để mua một tô phở ở Hà Nội hay Sài Thành. Với những trường hợp người bệnh thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, thầy Hoạt miễn phí luôn tiền công lẫn thuốc thang. Ông trải lòng bài thuốc được cha ông để lại, nay dùng thuốc đó để cứu người là việc phải đạo nên làm. “Hành nghề thuốc điều quan trọng nhất là chữ đức. Nếu ai đó vì tham lam, vụ lợi mà chọn nghề thuốc thì không khi nào theo nghề được”, ông chia sẻ quan điểm.
Ông Hoạt còn có một tâm nguyện đến nay chưa làm được như lời chia sẻ: “Tôi dự định thời gian tới sau khi đã thảnh thơi hơn, sẽ đi chữa bệnh từ thiện nơi đây nơi đó, vài tháng về thăm nhà một lần rồi đi tiếp”.
Được biết thêm lương y Nguyễn Hữu Hoạt cũng là người đã đứng ra cùng với trụ trì chùa Kim Quang (Huế) vận động thành lập Hội từ thiện khám chữa bệnh miễn phí tại ngôi chùa này. Càng cảm phục hơn bởi trong khi nhiều thầy lang có thuốc quý lại giấu kín làm của riêng thì thầy Hoạt hễ tìm được cây thuốc lạ, bào chế được bài thuốc mới lại chỉ dạy cho tất cả mọi người.
“Nếu ai cũng chỉ biết nghĩ cho riêng mình thì không chỉ vô tình gây tội ác mà còn làm thất lạc nhiều cây thuốc quý. Cây thuốc nam xung quanh ta rất nhiều, tuy nhiên không phải ai cũng đều biết và sử dụng. Tôi mong muốn tất cả mọi người đều có thể phần nào đó tự chữa bệnh cho chính mình bằng cây thuốc nam tự trồng, vừa ít tốn kém nhưng hiệu quả vẫn cao không kém Tây y”, ông Hoạt trải lòng khi tiễn khách.
Hội chứng thận hư hay còn gọi thận nhiễm mỡ là tình trạng thận để mất đạm qua nước tiểu khiến cơ thể bị phù. Đây là hội chứng thường gặp ở trẻ em và là căn bệnh mãn tính đòi hỏi điều trị lâu dài, khoảng 80% bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ tái phát. Bệnh thường dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm khuẩn, rối loạn nước, tắc mạch máu. Đây là căn bệnh ít gặp nhưng dễ dẫn đến tử vong. Cho đến nay y học hiện đại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh mặc dù có rất nhiều suy luận xung quanh vấn đề này. |
Quảng Thiên