Văn hóa phồn thực của người Việt cổ
Thạp đồng Đào Thịnh là chiếc thạp to nhất được phát hiện cho đến nay ở Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, kể lại:
Năm 1961, một người dân ở xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trong lúc câu cá ở sông Hồng đã phát hiện chiếc thạp trong vách đất mới lở bên bờ sông.
Theo tài liệu tại bảo tàng, khi mới phát hiện, bên trong thạp lồng có một thạp đồng khác nhỏ hơn. Trong đó có mảnh gỗ đã mục, một số cục xỉ đồng, răng người và chất nhầy màu đen.
Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh có hoa văn hình mặt trời, bao quanh là các vành hoa văn hình học khác, nổi bật nhất là băng hoa văn hình quả trám.
Thạp đồng Đào Thịnh. |
Giữa thân là một băng hoa văn gồm sáu thuyền chở người hóa trang lông chim, hình chim lạc, hình cá sấu... Giữa lòng thuyền có hình đựng pháo đài, một người cầm cung trong tư thế sẵn sàng bắn. Ở phía sau là hình nhiều người đứng trên sàn thuyền, cầm nhiều loại vũ khí phòng vệ như giáo, cung, rìu, dao găm….
Theo đánh giá của lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: “Hình ảnh trên thạp Đào Thịnh tinh xảo, khắc họa rõ hành động người Việt cổ xưa, có giá trị lớn về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử”.
Với chiều cao gần 1m, đường kính miệng 61cm, đường kính đáy 60cm, thạp đồng Đào Thịnh đạt kỷ lục là chiếc thạp lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại. Thạp có niên đại khoảng 2000 – 2500 năm trước đây, thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Theo quan sát, trên nắp thạp được gắn 5 khối tượng, trong đó 5 khối là hình đôi trai gái đang ôm nhau hoan lạc. Người nam tóc xõa, ngang hông đeo dao găm, mặc khố. Người gái mặc váy ngắn, ngực trần. Bộ phận sinh thực khí của người nam được khắc họa rõ nét, nhấn mạnh.
Khối tượng thứ 5 nằm chính giữa nắp, đã bị gãy nên không xác định được tượng mô phỏng hoạt động gì của cư dân Việt cổ. Tuy nhiên, theo nhân chứng phát hiện ra chiếc thạp, chỗ bị gãy này cũng là tượng đôi nam nữ.
Lí giải về các bức tượng được mô phỏng gắn trên nắp thạp, tiến sĩ Ngô Thế Phong, Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam, cho biết: Hình ảnh này thể hiện quan điểm vũ trụ của người dân Việt cổ khi xưa, mang yếu tố văn hóa phồn thực. Theo quan điểm này, hình ảnh đôi nam nữ giao hợp thể hiện ước mơ sinh sôi nảy nở, không chỉ của loài người mà của muôn vật, cỏ cây, vũ trụ.
Thạp là quan tài?
Theo các nhà khoa học, chức năng của thạp được người xưa dùng chủ yếu làm đồ đựng thóc lúa, các loại ngũ cốc, nước, rượu... Hiện nay, ở Việt Nam đã phát hiện được hai loại thạp đồng chủ yếu, có nắp và không có nắp.
Qua các phát hiện khảo cổ, thạp không có nắp thì trên miệng không có gờ đỡ, còn thạp có nắp như Đào Thịnh thì có một gờ chạy xung quanh miệng để đỡ nắp.
Tiến sĩ Ngô Thế Phong. |
Theo tiến sĩ Phong, sự khác biệt này do chức năng sử dụng. Ví dụ: thạp đựng nước thì không cần nắp, còn để đựng ngũ cốc thì cần nắp để tránh mưa nắng, chuột bọ…
Tuy nhiên, ngoài chức năng làm đồ đựng trong sinh hoạt hàng ngày, thạp còn được dùng để làm quan tài và đồ tùy táng.
Khi phát hiện ra thạp đồng Đào Thịnh, dựa trên tư liệu phát hiện được, tiến sĩ Phong cùng nhiều nhà nghiên cứu khác đồng quan điểm, thạp này có thể đã được người xưa dùng làm quan tài.
Theo tiến sĩ Phong, trong nhiều mộ Đông Sơn được phát hiện, các nhà khảo cổ cũng thấy có chôn theo thạp. Người ta còn tìm thấy cả thạp minh khí kích thước rất nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay. Điều này chứng tỏ thạp là vật dụng quen thuộc đối với chủ nhân văn hóa Đông Sơn; cũng là vật thường được chôn cùng người chết.
“Những hoa văn hình học như hình thuyền, hình người trên thạp Đào Thịnh giống với những chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất, điển hình nhất. Điều này khẳng định thạp Đào Thịnh thuộc giai đoạn Đông Sơn điển hình. Cùng với khu vực Lào Cai, Yên Bái đã chứng tỏ là vùng đất quan trọng của văn hóa Đông Sơn ở miền núi phía Bắc”, TS Ngô Thế Phong cho biết./.