Bí mật về những 'quỷ thành', 'thành phố ma'

(PLO) - Những thành phố đang xây dựng dở dang này đã bỏ hoang, không có người ở, được gọi là “Quỷ thành” - “thành phố ma”. 
Một góc thành phố mới Đông Đới Hà
Một góc thành phố mới Đông Đới Hà

Gần một thập kỷ nay, “thành phố ma” luôn là chủ đề nóng tại Trung Quốc, với những dự án bất động sản lớn gần như chẳng có người ở suốt nhiều năm. Một số người coi đây là dấu hiệu Trung Quốc đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nhà đất. Số khác lại cho rằng đây chỉ là quá trình mở rộng đô thị tại nền kinh tế khổng lồ này.

Thực tế buồn

Nhưng, sự tồn tại của các “thành phố ma”  là một thực tế; hồi tháng 9/2016, tỉ phú Vương Kiện Lâm, người giàu nhất Trung Quốc, đã cảnh báo ngành bất động sản nước này về một “bong bóng lớn nhất lịch sử”.

Vì những lý do riêng, chúng không được coi là thông tin “nhạy cảm”, có lẽ do ảnh hưởng đến tình hình thị trường địa ốc. Trường Đại học Bắc Kinh và Công ty tìm kiếm Baidu căn cứ vào những hình ảnh chụp từ vệ tinh đã xác định trên toàn lãnh thổ Trung Quốc có tới 50 “Thành phố ma”.

Thành phố Ulanqab
Thành phố Ulanqab

Viết về vấn đề này, tạp chí Quartz (Thạch anh) cho rằng, các “thành phố ma” là biểu tượng cho sự phát triển kiểu mù quáng; chúng là hậu quả của cơn sốt xây dựng quá nóng, vô kế hoạch, là cơn ác mộng của các chủ đầu tư; là tấn bi kịch khi mà giá nhà đất ở các đô thị lớn tăng chóng mặt thì lại có những đô thị có sức chứa cả chục vạn dân bị bỏ hoang, không người lui tới… 

“Thành phố ma” nổi tiếng nhất là thành phố mới Đông Đới Hà (Liêu Ninh). Theo chính quyền địa phương, thành phố mới Đông Đới Hà có hơn 20 công ty địa ốc xây dựng, diện tích lên tới 5,04 triệu m2; trừ một số ít khu bán được, còn lại đều tiêu thụ rất chậm, trì hoãn xây dựng, thậm chí bỏ dở. Một số nghiệp chủ lo ngại, thành phố mới Đông Đới Hà đang lâm vào tình trạng nhà hàng hóa không bán được khiến họ lâm vào tình trạng cháy túi, nếu cứ tiếp tục thì thành phố này sẽ lâm vào tình trạng “thành phố ma”.

Trong khi đó, chỉ trong một thời gian ngắn một khu phố mới với những dãy chung cư cao tầng, đường phố thẳng tắp, sân vận động và các khu vui chơi giải trí được mọc lên ở khu mới của thành phố Ulanqab ở Nội Mông giữa thảo nguyên mênh mông nhưng không một bóng người. Diện tích khu mới xây dựng này lớn hơn nhiều so với khu vực phố cũ. Khi đến đây, người ta ngỡ ngàng trước những tòa chung cư mọc lên như nấm, những tòa tháp cao, nhưng vắng vẻ một cách đáng sợ.

Khu ven biển Dinh Khẩu
Khu ven biển Dinh Khẩu

Nhiều tòa nhà đang xây dở dang ngổn ngang sắt thép, những tòa nhà đã xong rao bán nhưng chẳng ma nào mua. Người ta đã dời trụ sở chính quyền sang khu phố mới này, nhưng trên đường phố rộng ngoài những chiếc xe thỉnh thoảng xuất hiện, còn rất ít thấy bóng người đi lại. Đêm xuống thì cả khu vực rộng lớn tối đen, đúng là một “thành phố ma”.

Còn tại khu phố ven biển ở Dinh Khẩu (Liêu Ninh), khi màn đêm buông xuống, khách sạn “Hào Sinh đại tửu điếm” ở khu công nghiệp ven biển đèn đuốc sáng trưng. Thế nhưng khu dân cư Lệ Hồ ngay cạnh đó lại tối đen. Khu nhà ở rộng tới 180 ngàn m2 này đã xây dựng xong nhưng chẳng có ai vào ở khiến nó trở thành 1 trong số 10 “thành phố ma”  lớn nhất.

Khu dân cư này là một trong 3 hạng mục đang đóng băng của Tập đoàn xây dựng Tạng Nghiệp Tây Tạng. Khu Lệ Hồ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hậu quả cơn sốt “đại nhảy vọt” trong thị trường địa ốc ở Dinh Khẩu những năm qua. Qua khảo sát một vòng, các phóng viên thấy các tập đoàn xây dựng lớn có mặt ở Dinh Khẩu như Hằng Đại địa sản, Giai Triệu nghiệp, Trung Nam kiến thiết, Gia Lý kiến thiết…đều lâm vào tình trạng gặp khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm tại đây.

Thành phố ma Nhũ Sơn Ngân Thán
Thành phố ma Nhũ Sơn Ngân Thán

Nỗi buồn nhà đầu tư

Trong hơn 10 năm qua, khái niệm “Nhà ngắm biển” được thổi lên thành cơn sốt khiến giá nhà ở các đô thị ven biển tăng chóng mặt và cũng trở thành khu vực “bong bóng” nghiêm trọng nhất. Nhũ Sơn Ngân Thán (Bãi Bạc Nhũ Sơn) ở Uy Hải (Thanh Đảo) được gọi là “Thiên hạ đệ nhất thán”, thế nhưng tình trạng tiêu thụ các ngôi nhà “nhìn biển” ở đây lại đang là nỗi rầu ruột của các nhà đầu tư.

Trước đây, cả bãi biển dài 60km là một dải rừng thông rất đẹp, nay chỉ còn lại những dãy nhà không có người ở. Tuy chính quyền địa phương từ chối cung cấp số liệu thực tế, nhưng qua tính toán, ở đây có 200 tiểu khu, mỗi tiểu khu 100 ngàn m2, thì ở đây hiện có hơn 20 triệu m2 nhà không người ở. Nếu tính bình quân mỗi người 40m2 thì “thành phố ma” này có thể chứa được 50 vạn người sinh sống.

Còn khu vui chơi Wonderland khổng lồ ở Bắc Kinh được quy hoạch tại thị trấn Nam Khẩu, quận Xương Bình với tham vọng trở thành “Khu vui chơi lớn nhất châu Á”. Công trình “tiên cảnh dưới trần gian” này được Tập đoàn Hoa Bân khởi công xây dựng  từ 1994 trên khu đất rộng gần 700 ngàn m2. Theo quy hoạch, tổng diện tích “Khu vui chơi lớn nhất châu Á” này có diện tích 123,04ha, được Tổng cục Du lịch coi là công trình trọng điểm với khu vui chơi, các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, sau khi hoàn thành sẽ có quy mô vượt cả Disneyland Tokyo.

Khu vui chơi Wonderland Bắc Kinh
Khu vui chơi Wonderland Bắc Kinh

Thế nhưng, do cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, công trình đã ngừng thi công giữa chừng, mấy khu thành cổ trong khu vui chơi xây dựng chưa xong trở thành nơi du ngoạn của những người thích thám hiểm. Từ năm 2013, Tập đoàn Hoa Bân đã tháo dỡ 1 số công trình kiến trúc kiểu châu Âu ở phía Nam, hiện chỉ còn các tòa lâu đài ở phía Bắc.

Còn thành phố Nông Mậu (trao đổi mua bán sản phẩm nông nghiệp) Trừ Châu là 1 trong số 10 công trình trọng điểm, quy mô lớn nhất, chức năng hoàn chỉnh nhất trong số các trung tâm mua bán sản phẩm nông nghiệp trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, tổng đầu tư 2 tỷ Nhân dân tệ, được khởi công xây dựng năm 2009 ở quận Nam Huân, thành phố Trừ Châu, An Huy.

Suốt một thời gian, rất nhiều thương gia đã đổ xô đến đặt mua các quầy hàng, thế nhưng hiện nay công trình có quy mô rộng trên 1,3 triệu m2 này đã ngừng việc xây dựng khi đang còn dở dang. Nguyên nhân, nghe nói do nghiệp chủ không xin được giấy phép xây dựng và…hết tiền.

Một phần Thành phố Nông Mậu bị bỏ hoang
Một phần Thành phố Nông Mậu bị bỏ hoang

Dở dang và trống vắng

Đầu những năm 2000, chính phủ Trung Quốc đầu tư tới 1 tỷ USD xây dựng khu phố mới Kangbashi diện tích rộng 32km2 thuộc thành phố Ordos với tham vọng thu hút 1 triệu dân đến đây sinh sống.

Sau hơn 10 năm, Kangbashi do các kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế với cơ sở đầy đủ từ trung tâm hành chính, bảo tàng, sân vận động, các tòa nhà văn phòng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, các biệt thự và chung cư hiện đại, hiện chỉ có rất ít người ở. Đến đây, người ta chỉ thấy những tòa nhà khổng lồ nằm trơ trọi bên những con đường vắng tanh.

Ở khu Bảo Để nằm cách Thiên Tân 60km, cách trung tâm Bắc Kinh 120km có một khu biệt thự rộng lớn, theo quy hoạch lên tới 258km2, được coi là “Khu biệt thự lớn nhất châu Á”. Hiện nay hơn 3000 tòa biệt thự đã hoàn thành phần thô, nhưng 9/10 đang trong tình trạng bỏ hoang, không người ở. Được biết khu biệt thự này do 2 công ty xây dựng, căn nhỏ nhất 200m2, lớn nhất 1000m2 và có vườn rộng từ mấy trăm tới hàng ngàn m2. Đi kèm còn có khu nghỉ dưỡng suối nóng, sân golf, CLB thể thao, khu đại học, phố thương mại, chùa chiền.

Một đường phố trong 'thành phố ma' Kangbashi
Một đường phố trong 'thành phố ma'  Kangbashi

Tại Vân Nam, Trình Cống vốn là một quận trực thuộc thành phố Côn Minh được khởi công xây dựng từ năm 2005, nhưng đến 2010 thì được biết đến với tên gọi “thành phố ma” với khoảng 100.000 căn hộ không người ở.

Mãi đến gần đây, qua ảnh vệ tinh của Digital Globe thành phố này trông vẫn rất vắng vẻ. Dù vậy, nhiều tòa nhà chọc trời khác vẫn đang được xây dựng tại đây. Trình Cống có rất nhiều dự án xây dựng lớn, thể hiện ở hệ thống đường giao thông phức tạp.

Tuy nhiên, đường phố tại đây hầu như chẳng có người, và nhiều lô đất vẫn còn là đất nông nghiệp.  Cũng như nhiều dự án tham vọng khác tại Trung Quốc, Trình Cống có kiến trúc khá độc đáo. Nơi đây cũng có một số ký túc xá đại học lớn, nhưng chúng vẫn đang dở dang và trống rỗng…/.

Đọc thêm