Bí mật vụ máy bay Mỹ – Trung 'đối đầu'

(PLO) -Thoạt nhìn, đây là sự kiện ngẫu nhiên, thực ra đó là chuyện tất nhiên. Từ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Mỹ chưa bao giờ ngừng việc cho máy bay trinh sát ven biển Trung Quốc. Từ cuối năm 2000, hoạt động trinh sát của máy bay Mỹ gia tăng gấp bội...
Chiếc J-8B của Vương Vĩ
Chiếc J-8B của Vương Vĩ

Kỳ I: Cựu Bộ trưởng Đường Gia Triền kể chuyện hậu trường

“Sáng 1/4/2001, giờ Bắc Kinh, 1 chiếc máy bay trinh sát quân sự EP-3 của Mỹ lại hoạt động tại vùng trời Đông Nam đảo Hải Nam. 2 chiếc chiến đấu cơ J-8 lập tức cất cánh tiến hành giám sát. Hồi 9h07’, khi máy bay Trung Quốc đang bay giám sát bình thường tại khu vực cách Hải Nam 104km về phía Đông Nam thì máy bay Mỹ vi phạm quy tắc bay, đột nhiên chuyển hướng với góc rộng, va vào chiếc máy bay Trung Quốc khiến máy bay bị mất độ cao rơi xuống biển, phi công Vương Vĩ mất tích.

Chiếc máy bay Mỹ bị hỏng đã bay vào vùng trời Trung Quốc rồi hạ cánh xuống sân bay Lăng Thủy khi chưa được phép. Theo tập quán quốc tế, chúng ta tạm giữ 24 nhân viên người Mỹ.

Cuộc đọ sức vòng đầu đầy trở ngại

Ngay hôm xảy ra vụ việc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Mỹ và châu Đại dương Chu Văn Trọng triệu tập khẩn cấp Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Joseph Wilson Prueher đến chính thức bày tỏ phản đối mạnh mẽ, nhấn mạnh trách nhiệm trong vụ việc hoàn toàn thuộc về phía Mỹ, Mỹ cần phải giải thích rõ với nhân dân Trung Quốc. 

Phía Mỹ rất cao giọng, hung hăng về “sự kiện đâm va máy bay”, căn bản không muốn chịu trách nhiệm. Prueher tuyên bố: ông ta không đồng ý với quan điểm của phía Trung Quốc về sự kiện này. Đối với việc máy bay Trung Quốc rơi, phi công mất tích, phía Mỹ chỉ bày tỏ “lấy làm tiếc” một cách qua loa, hời hợt; tuy có bày tỏ sẽ giúp Trung Quốc tìm kiếm phi công mất tích, nhưng chủ yếu là yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng “phóng thích các nhân viên trên máy bay, trao trả chiếc máy bay trinh sát cho Mỹ”; thậm chí yêu cầu không cho phép nhân viên Trung Quốc lên máy bay Mỹ để kiểm tra.

Chu Văn Trọng lập tức bác bỏ sự giảo biện của Prueher, cự tuyệt các yêu cầu của phía Mỹ và nhấn mạnh: đối với những tổn thất mà Mỹ gây ra cho Trung Quốc và việc máy bay Mỹ chưa được phép đã xâm nhập vùng trời và hạ cánh xuống sân bay Trung Quốc, Trung Quốc bảo lưu quyền đàm phán, mặc cả với phía Mỹ. Mỹ chớ quen thói thao túng dư luận, tiên phát chế nhân.

Chiếc EP-3
Chiếc EP-3

15h chiều ngày 1/4, tức là 6 tiếng sau khi xảy ra vụ đâm va máy bay, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho đăng trên trang web một thông báo ngắn gọn, công bố trước thế giới vụ việc này. Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc bảo vệ nguyên vẹn máy bay, bảo đảm an toàn cho tổ bay theo tập quán quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để máy bay và phi hành đoàn lập tức trở về Mỹ mà không hề đề cập gì đến việc máy bay Trung Quốc bị rơi, phi công mất tích sau vụ đâm va.

Trước thái độ ngang ngược của phía Mỹ, tối 4/2, Chu Văn Trọng lại triệu tập Đại sứ Prueher tới nêu rõ lập trường nghiêm khắc của phía Trung Quốc. Chu Văn Trọng cảnh cáo phía Mỹ phải nhìn thẳng sự thật. gánh chịu trách nhiệm, xin lỗi Trung Quốc. 

Nhưng, hai ngày trôi qua, thái độ phía Mỹ vẫn rất cứng rắn. Ngày 2 và 3/4, Tổng thống Bush liên tiếp 2 lần phát biểu, bày tỏ vấn đề Mỹ ưu tiên xem xét là phi hành đoàn nhanh chóng được về nước và máy bay trinh sát được trao trả trong tình trạng nguyên vẹn, “không bị phá hoại hoặc xáo trộn”; rằng, Mỹ đã cho Trung Quốc thời gian để xử lý đúng đắn sự việc, nay đã đến lúc họ phải trao trả người và máy bay cho Mỹ.

Ông ta còn nói, sự kiện này có thể sẽ phá hoại kỳ vọng xây dựng phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời với việc đó, Hải quân Mỹ cũng lấy danh nghĩa “giám sát sự phát triển của tình hình”, đưa 3 chiếc tàu khu trục đến gần đảo Hải Nam diễu võ giương oai và ở lại Nam Hải (Biển Đông).

Cách làm và thái độ của Mỹ khiến Trung Quốc rất căm phẫn, gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng. Trên mạng Internet xuất hiện nhiều ý kiến hô hào tổ chức biểu tình phản đối trước sứ quán Mỹ, thậm chí yêu cầu chính phủ Trung Quốc đưa các nhân viên tổ bay Mỹ ra xét xử theo luật pháp Trung Quốc.

Xác chiếc J-8 được trục vớt và chiếc EP-3 đỗ tại sân bay Lăng Thủy
Xác chiếc J-8 được trục vớt và chiếc EP-3 đỗ tại sân bay Lăng Thủy

Bị buộc phải xin lỗi, Mỹ nhượng bộ

Sau nhiều lần Trung Quốc kiên quyết đấu tranh, phía Mỹ có sự thay đổi, thái độ có chuyển hóa, trở nên thực tế hơn. Ngày 4/4 theo giờ bờ biển phía Đông nước Mỹ, tại Nhà Trắng, Quốc vụ khanh Powell nói với các phóng viên báo chí: ông bày tỏ “lấy làm tiếc” trước việc phi công Trung Quốc mất tích. Cùng ngày, ông ta còn lấy danh nghĩa cá nhân gửi điện cho Phó thủ tướng Tiền Kỳ Tham, đề xuất Mỹ muốn cùng phía Trung Quốc nỗ lực để sự kiện này trở thành quá khứ.

Ngày hôm sau, Tổng thống Bush khi phát biểu diễn văn trước Hiệp hội báo chí toàn quốc Mỹ cũng bày tỏ “lấy làm tiếc” trước việc máy bay Trung Quốc bị rơi và phi công Trung Quốc bị mất tích. Ông ta nhấn mạnh: “quan hệ giữa chúng ta và Trung Quốc rất quan trọng”, “không nên để sự kiện này ảnh hưởng đến sự ổn định quan hệ Mỹ-Trung”.

Để phía Mỹ nhận thức rõ tình hình, gánh chịu trách nhiệm, chịu xin lỗi, phía Trung Quốc đã tiến hành đấu tranh gian khổ với họ. Tại Bắc Kinh, từ ngày 5 đến 10/4, Trợ lý Ngoại trưởng Chu Văn Trọng và đại sứ Prueher đã tiến hành 11 vòng đàm phán gian khổ, có lúc 1 ngày đàm phán 3 lần. Tiêu điểm tranh cãi chủ yếu là: phía Mỹ cần phải xin lỗi Trung Quốc về việc đâm va làm rơi máy bay Trung Quốc, khiến phi công mất tích và chưa được phép của Trung Quốc đã bay vào vùng trời và hạ cánh xuống sân bay Trung Quốc.

Tại Washington, đại sứ Dương Khiết Trì liên tiếp gặp quan chức chính phủ Mỹ, các nhà lãnh đạo cũ và nghị sĩ quan trọng, mong họ phát huy ảnh hưởng, thúc đẩy chính phủ Bush sớm xin lỗi phía Trung Quốc. Nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng. Dư luận Mỹ không hiểu việc Trung Quốc căn cứ theo pháp luật của mình đã tiến hành kiểm tra máy bay Mỹ để thu thập bằng chứng, cho rằng thực tế Trung Quốc đã giữ phi hành đoàn Mỹ làm con tin. Dưới sự kích động của truyền thông Mỹ, một số công dân Mỹ, đặc biệt là các thân nhân các nhân viên đoàn bay Mỹ vẫn rất gay gắt.

Phi công Vương Vĩ
Phi công Vương Vĩ

Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết, thời gian này, sứ quán và các lãnh sự quán liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại đe dọa; một số người còn đến tổ chức biểu tình trước sứ quán, lãnh sự quán. Ban ngày thường thấy trên các cây ven đường phấp phới các dải lụa, nghe nói đó là thể hiện sự mong ngóng người thân; đến tối, một số người tổ chức thắp nến trước cửa các cơ quan ngoại giao Trung Quốc cầu nguyện suốt đêm.

Một số người còn chặn xe cán bộ ngoại giao Trung Quốc trên phố gào thét: “Sao các người không cho người thân chúng tôi trở về nhà?”. Một số thế lực chống Trung Quốc trong nước Mỹ càng lợi dụng cơ hội này để hành động để phá hoại quan hệ Trung-Mỹ.

(Mời xem tiếp số sau)

Đọc thêm