Giết người vì lý do không đáng
Chiều ngày 8/9/2017, 4 học sinh của trường gồm Hồ Văn Bản (SN 2000), Hồ Văn Khoa (SN 2002), Hồ Văn Ngọt (SN 2001) và Nguyễn Đức Quỳnh (SN 2000) rủ nhau ra ngoài cổng trường dạo chơi. Thế nhưng sau đó cả nhóm lại rủ nhau uống rượu. Dù nhỏ tuổi nhưng do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số nên với 4 học sinh này, uống rượu là chuyện bình thường.
Khoảng 18h, Bản, Khoa, Ngọt, Quỳnh không uống rượu nữa mà rủ nhau vào khu nội trú nữ của trường. Sau khi vào đây, 4 nam sinh tìm các nữ sinh quen biết để nói chuyện.
Ban đầu, các nam sinh và nữ sinh trò chuyện vui vẻ. Về sau, do đã uống rượu nên các nam sinh có những lời lẽ khiếm nhã khiến các bạn nữ sinh không vừa ý. Thậm chí, các nam sinh còn nghịch ngợm tắt đèn điện khiến các nữ sinh hoảng sợ la khóc. Tức giận, các nữ sinh yêu cầu các bạn nam ra về nhưng các bạn nam vẫn không về mà tiếp tục chọc ghẹo, tắt điện khiến cả khu nhốn nháo, lộn xộn.
Nghe thấy tiếng ồn ào ở khu nội trú nữ, ông Nguyễn Mạnh Tùng (SN 1974, bảo vệ của trường) xuống kiểm tra sự việc. Thấy các nam sinh có mùi rượu và có hành động thiếu văn hóa nên ông Tùng nhắc nhở và yêu cầu các học sinh trên chấm dứt hành vi trêu ghẹo nữ sinh.
Thay vì chấp hành nghiêm túc nội quy của nhà trường, các nam sinh lại cãi tay đôi với nhân viên bảo vệ. Trong đó, Bản đã có những lời nói hỗn xược nên ông Tùng dùng gậy cao su đánh một cái vào người Bản. Không những không khuyên bạn, Quỳnh còn hùa vào với Bản nói lời xấc xược với ông Tùng và cũng bị ông Tùng đánh một cái nhẹ.
Đối tượng Bổng |
Dù có cãi cọ nhưng trước thái độ nghiêm khắc của ông Tùng, cuối cùng 4 nam sinh vẫn ra khỏi khu nội trú nữ. Tuy nhiên, 4 nam sinh không về mà lại rủ nhau tụ tập. Vẫn còn bực tức về việc bị ông Tùng đánh, Bản đã gọi điện cho cậu ruột mình là Hồ Văn Bổng (SN 1996, trú tại xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn) mách: "Cháu bị bảo vệ nhà trường đánh" rồi hẹn cậu đến quán nước trước cổng trường.
Nhận điện thoại của cháu, Bổng liền chạy đến quán nước. Tại đây, Bản ấm ức kể lại việc mình bị đánh và rủ thêm một người nữa là Hồ Văn Mượn (SN 1996, trú xã Phước Mỹ) để đến đánh bảo vệ. Vì có chủ đích đánh ông Tùng nên cả hai chuẩn bị 1 gậy 3 khúc và 1 con dao tự chế dài khoảng 50cm.
Sau đó, Bổng và Mượn cầm hung khí vào trường tìm nhân viên bảo vệ. Gặp ông Tùng, Bổng cầm gậy 3 khúc đánh một cái vào đầu ông Tùng. Sau đó, Bổng ôm ông Tùng từ phía sau, còn Mượn cầm dao tự chế đâm vào đùi trái ông Tùng.
Nguyên nhân nhỏ, hậu quả lớn
Cú đâm của Mượn đã khiến ông Tùng bị đứt động mạch chủ. Ngay sau đấy, ông Tùng được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn nhưng do vết thương quá hiểm, nạn nhân bị mất máu cấp nên tử vong trước khi được đưa đến cơ sở y tế.
Cái chết của ông Tùng đã khiến mọi người, nhất là giáo viên và học sinh trường nội trú Khâm Đức bàng hoàng, đau đớn. Bởi lễ khai giảng vừa được diễn ra 3 ngày và nguyên nhân vụ án hết sức đơn giản.
Nhiều nữ sinh có mặt hôm đó cho biết, ông Tùng đánh Bản và Quỳnh rất nhẹ, chỉ là để nhắc nhở và đuổi các nam sinh ra khỏi khu nội trú nữ. Tuy nhiên, do đã uống rượu nên Bản cảm thấy bực bội, tức tối và gọi điện cho cậu để nhờ cậu trả đũa giúp mình. Về phần Bổng và Mượn, cả hai đều là người dân tộc Giẻ Triêng, nhận thức pháp luật thấp nên đã hành động nông nổi, dẫn đến cái chết của một người vô tội.
Ông Lê Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường PTTH nội trú Khâm Đức cho biết, ông Tùng mới về làm bảo vệ cho trường được 1 năm nay. Ông là người rất hiền lành, mẫu mực, được nhiều người quý mến. "Trước sự mất mát quá lớn này, nhà trường cũng sẽ vận động cán bộ, nhân viên giúp đỡ gia quyến của ông Tùng", ông Tâm chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà V.T.T.N - vợ ông Tùng cũng là giáo viên của trường THPT nội trú Khâm Đức. Quê bà N. ở xã Bình Quý (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), còn quê ông Tùng ở tận tỉnh Hải Dương. Sau khi kết hôn, cả hai chọn Khâm Đức làm quê hương thứ hai.
Đối tượng Mượn |
Vợ chồng ông Tùng có 2 người con, gia đình rất hòa thuận, êm ấm, thu nhập của gia đình dựa vào tiền lương của 2 vợ chồng. Vì vậy, việc ông Tùng mất đi, ngoài nỗi đau tinh thần còn để lại gánh nặng kinh tế cho người vợ. Vụ việc khiến người dân địa phương tiếc thương cho ông Tùng và bức xúc trước hành vi của 2 đối tượng Bổng và Mượn.
Ngoài hành vi của Bổng và Mượn, một điều đáng lưu ý là sự vi phạm nội quy nhà trường của 4 học sinh nam. Đang là học sinh nhưng Bản, Khoa, Ngọt, Quỳnh đã tụ tập uống rượu. Đây là hệ lụy từ việc uống rượu của đồng bào dân tộc thiểu số. Ở vùng miền núi, người dân thường mượn rượu để "giải mỏi", kể cả phụ nữ và vị thành niên. Cũng từ rượu, rất nhiều án mạng đã xảy ra, như vụ án này là một ví dụ.