- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Tại Điều 60 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định, người lao động có yêu cầu thì được hưởng BHXH 01 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau: “a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu”.
Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động quy định: “Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”.
Như vậy, trường hợp bạn hỏi, đối chiếu quy định nêu trên, hiện pháp luật về BHXH không có quy định về việc hưởng BHXH 1 lần với người đang chấp hành hình phạt tù giam.
Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, cho phép người bị kết án tù được tham gia BHXH tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về BHXH theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Điều 27, phạm nhân được tham gia BHXH tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về BHXH theo quy định của pháp luật; người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ BHXH thì thực hiện theo quy định của pháp luật.