“Phụ huynh mồ côi” là cụm từ được nhiều người dùng để chỉ những cặp vợ chồng mà đứa con duy nhất của họ đã qua đời, khiến họ lâm vào tình cảnh không ai chăm sóc. Lấy ví dụ như trường hợp của bà Xie, 60 tuổi. 7 năm trước, cô con gái duy nhất của bà là Juanjuan đã qua đời ở tuổi 29. Cái chết của cô gái trẻ đã khiến bà Xie và chồng chính thức trở thành một gia đình “mồ côi” của Trung Quốc.
“Người Trung Quốc chúng tôi luôn xem đứa trẻ là một nhân tố quan trọng, nếu đứa trẻ qua đời, cả gia đình sẽ gần như đổ vỡ” – một cô giáo đã về hưu sống tại tỉnh Giang Tây, phía Đông Nam Trung Quốc cho biết.
Tại Trung Quốc, những trường hợp như trên không phải là chuyện hiếm gặp. Truyền thông nước này dẫn số liệu thống kê năm 2010 của giới chức y tế cho biết, mỗi năm tại Trung Quốc có đến 760.000 đứa trẻ là con một tử vong vì tai nạn hoặc bệnh tật.
Theo ước tính, tổng cộng hơn 1 triệu gia đình tại nước này đã lâm vào cảnh “mồ côi” kể từ khi chính sách một con chính thức được thực hiện từ năm 1980. Điều này kéo theo những hệ lụy xã hội nghiêm trọng bởi các khoản an sinh xã hội ở Trung Quốc chủ yếu là trách nhiệm của gia đình chứ không phải của Nhà nước.
Do đó, những đứa trẻ khi trưởng thành có trách nhiệm về mặt pháp lý trong việc nuôi nấng cha mẹ khi họ về già. Mất đi đứa con duy nhất có thể đồng nghĩa với cảnh thiếu thốn cũng như nỗi đau buồn của các cặp vợ chồng già cả.
Tháng 7/2012, anh Wang Haipeng – một kỹ sư IT ngoài 20 tuổi, sống tại Bắc Kinh - đã lập một trang web có tên “Những gia đình mất con độc nhất”. Wang cho biết, qua tìm hiểu, anh nhận thấy nhu cầu lớn nhất của những người này là sự hỗ trợ và liên lạc.
“Một số người gặp khó khăn về tài chính trong khi một số người cũng khá giả. Tuy nhiên, tất cả họ đều cần được nói chuyện” – anh Wang nói. Theo anh, trang web này đã có 1.000 người đăng ký sử dụng nhưng có đến 50.000 người thường xuyên truy cập.
Qua những tâm sự của người già, anh Wang nhận thấy nguy cơ tự tử của họ là rất cao. “Một số người nói rằng họ không thể chịu đựng được thêm nữa, họ không muốn sống tiếp vì điều này quá đau đớn. Sau đó họ biến mất. Dù không phải mọi chuyện luôn được làm rõ nhưng một số người đã chọn cái chết thay vì đối mặt với tuổi già mà không có ai chăm sóc họ” – anh Wang nói tiếp.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nói rằng, từ khi được đưa vào thực hiện cho đến nay, chính sách một con đã giảm được 400 triệu ca sinh nở, từ đó ngăn chặn được tình trạng dân số vượt khỏi tầm kiểm soát. Song, chính sách này cũng đang làm hao mòn tốc độ tăng trưởng kinh tế và góp phần tăng số dân cư nhiều tuổi nhưng không có hỗ trợ về tài chính.
Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc mới đây đã quyết định thay đổi chính sách của mình. Ngày 28/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết nới lỏng chính sách một con, theo đó cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nếu người cha hoặc người mẹ là con một.
Trước đó, ngày 26/12 Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia cũng đã công bố tăng mức bồi thường cho các cặp vợ chồng có con một đã qua đời. Theo thông báo của Ủy ban này, những cặp vợ chồng trong đó người vợ từ 49 tuổi trở lên sẽ được nhận 56 USD mỗi người mỗi tháng nếu họ sống ở thành phố và 28 USD nếu họ sống ở các vùng nông thôn.
Trở lại trường hợp của bà Xie, bà cho biết đã không nghĩ về việc có thêm một đứa con thứ hai khi bà còn trẻ vì điều này đồng nghĩa với việc cả bà và chồng, vốn đều là những công nhân làm việc tại các nhà máy, sẽ mất việc làm.
“Tại thời điểm đó, khẩu hiệu được phổ biến đến người dân là “kiểm soát sinh nở là việc tốt, Nhà nước sẽ chăm lo cho những người già. Tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ tuân thủ điều mà họ nói. Nỗi lo ngại lớn nhất của tôi là một ngày nào đó, tôi có thể sẽ chết tại nhà riêng mà không ai biết cả”, bà Xie ngậm ngùi.