Pho sử quý bằng đá của ông cha
Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền quân chủ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng tới việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Kể từ khoa thi năm 1442, các nhà khoa bảng đỗ đại khoa được khắc ghi trên bia đề danh tiến sĩ đặt tại Văn Miếu ở kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.
82 bia đá khắc tên 1.307 lượt tiến sĩ thi đỗ qua 82 khoa thi dưới triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những pho sử đá khẳng định niềm tự hào của truyền thống hiếu học của Việt Nam.
Tại đây, ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn Miếu còn là nơi đề danh các vị đại khoa trên các tấm bia, gọi là bia tiến sĩ. Những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi tuyển chọn tiến sĩ kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê – Mạc (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17).
Các bài văn bia tiến sĩ là nguồn sử liệu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, nền khoa cử Việt Nam nói riêng dưới nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Cùng với sự tồn tại của truyền thống khoa cử trong thời phong kiến, các triều đại quân chủ trước đây đều quan tâm xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long.
Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, kết tinh trí tuệ và bàn tay tài khéo của các nhà văn hóa, thư pháp, nghệ nhân hàng đầu trong suốt thời gian gần 300 năm, phản ánh nghệ thuật điêu khắc của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học và những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của dân tộc.
|
Pho sử quý bằng đá của ông cha. |
Giá trị đặc biệt của bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là bài văn bia (bài ký) bằng chữ Hán. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học và những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của dân tộc.
Một bài văn bia thường gồm: dòng tiêu đề của khoa thi (phần nối giữa trán bia và bài ký) năm tổ chức khoa thi, ca ngợi triều vua đang trị vì, tên các vị quan tham gia tổ chức khoa thi như Đề điệu, Giám thí, Độc quyển, Đằng lục..; cách thức tổ chức thi; họ tên và quê quán của những người thi đỗ; tên nhóm người tham gia dựng bia (soạn, nhuận sắc và viết triện).
Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục, thi cử nước nhà và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được thể hiện rõ trong nội dung các bài văn bia với ý nghĩa vạch ra đường lối chiến lược cho các nhà cầm quyền (xưa và nay) trong quản lý và xây dựng đất nước là phải coi trọng nhân tài; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các nhà trí thức đối với đất nước, đó là đem tài năng ra phục vụ đất nước, đào tạo đội ngũ nhân tài kế tiếp cho đất nước.
Những bài ký trên bia là kết tinh trí tuệ của nhiều thế hệ trí thức, là kinh nghiệm về đạo làm người. Hơn thế, văn bia còn cho chúng ta biết những bài học vô giá về đạo trị quốc, xây dựng và phát triển đất nước luôn phải quan tâm, đào tạo nhân tài. Vai trò của hiền tài đối với quốc gia được khẳng định, nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các bài ký, cho thấy đây là một quốc sách, là điểm cốt lõi trong đạo trị quốc. Đây cũng chính là bài học quý cho đương thời và hậu thế.
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn có sức hút mạnh mẽ đối với các học giả, du khách, chính khách trong và ngoài nước. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách quan trọng của các nước trên thế giới đã đến đây và đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của những tấm bia tiến sĩ.
Những câu chuyện thú vị ẩn sau bia đá
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm tham qua hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các sĩ tử trước kỳ thi thường đến đây dâng hương, song họ không hiểu nội dung khắc trên bia đá.
Vì vậy, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” kéo dài đến ngày 8/11 tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt đá khô cứng và câm lặng đó là hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ đang chờ đợi các thế hệ tìm hiểu.
|
Bia đá kể chuyện gương sáng tiền nhân. |
Đây là lần đầu tiên những hoa văn, họa tiết, những hàng chữ Nho trên 82 tấm bia tiến sĩ được “giải mã” cung cấp thông tin cho công chúng về các khoa thi thời xưa cùng tên tuổi những người đỗ đạt.
“Bia đá kể chuyện” có các nội dung: Chiêu mộ hiền tài: giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 - 1529; Con đường khoa cử: giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; Gương sáng tiền nhân: giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác; Lưu danh muôn thuở: giới thiệu một những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài.
Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày triển lãm sau này.
Đó sẽ là những chương tiếp theo của câu chuyện thú vị về 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; là thông tin về những địa phương có người đỗ tiến sĩ và số lượng tiến sĩ của địa phương đó. Như Hà Nội có nhiều tiến sĩ nhất với 145 tiến sĩ, thứ hai là Hải Dương 106, Bắc Ninh 87, Hưng Yên 43, Hải Phòng 28…
Người xem cũng sẽ ngạc nhiên trước thông tin về các gia đình khoa bảng tiêu biểu như gia đình có năm anh em và nhiều con cháu đời sau đỗ tiến sĩ. Gia đình cụ Thân Nhân Trung cũng có hai con trai và cháu nội đỗ tiến sĩ. Gia đình ông Phạm Bá Ký cũng ba đời có người đỗ tiến sĩ, từ ông, cha, cháu nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học - rất thích thú với ý tưởng hay của trưng bày này khi làm “sống dậy” bia đá câm lặng, đặc biệt là hình thức kể chuyện bằng đồ họa thiết kế tốt, giúp người xem có nhận thức mới, sâu sắc hơn về những tri thức có thể không mới với một số người.
Với cách trình bày đồ họa sinh động trên pa nô, trưng bày lần này mang đến rất nhiều thông tin thú vị về chế độ khoa cử thời phong kiến, cách tuyển dụng người tài rất minh bạch và những quan điểm về trọng dụng hiền tài…
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cảm nhận: “Tôi nhận thấy triển lãm đưa ra cái nhìn tổng quát về cách thức tổ chức khoa cử của nước ta thời xưa, bao gồm thông tin các kỳ thi; các địa phương, các dòng họ có người đỗ đạt, ý nghĩa các chi tiết trang trí trên bia đá… Cách trình bày hiện đại, sử dụng thiết kế đồ họa khiến cho người xem dễ tra cứu. Tôi mong muốn cách thức trình bày này cần được triển khai rộng rãi tại hệ thống bảo tàng để văn hóa thực sự đi vào đời sống mang thông tin đến thế hệ trẻ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho hay: “Tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức trưng bày và mong muốn Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục nghiên cứu tổ chức các cuộc triển lãm về bia tiến sĩ, để những tấm bia tiếp tục kể các câu chuyện hấp dẫn, thú vị, giúp cho công chúng tiếp cận những giá trị của bia tiến sĩ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của di sản văn hóa”.
Tháng 3/2010, Ủy ban Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận bia tiến sĩ là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 5/ 2011, Tổng Giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công nhận 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Bảo vật quốc gia. Đây chính là sự đánh giá, công nhận giá trị đặc biệt của bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với nền văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam nói riêng, của toàn nhân loại nói chung.