Vượt qua 'vết thương' để sống và yêu

(PLVN) - Vienna Pharaon là một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép và là một trong những chuyên gia được săn đón nhiều nhất ở New York trong lĩnh vực này. Vienna đã sáng lập nhóm thực hành Mindful Marriage and Family Therapy, với tài khoản @mindfulMFT trên Instagram, giúp hơn 600 nghìn người trên khắp thế giới chữa lành vết thương.
Cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu”.
Cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu”.

Nhiều năm ở vai trò là nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, Vienna Pharaon nhận ra rằng cô chưa từng gặp ai hoàn toàn không có một vết thương cội nguồn nào từ thời thơ ấu. Đó là những vết thương về cảm xúc, chúng hình thành khi bạn có một trải nghiệm đau đớn và tác động đến bạn trên phương diện tâm lý, cảm xúc. Theo đó, những vết thương cảm xúc thì không thể phục hồi nếu bị bỏ mặc. Tuy bề ngoài không để lại dấu vết gì nhưng những vết thương này sẽ thường xuyên trở lại, gây ra những ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến cuộc đời của bạn.

Trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu” (tựa gốc: The Origins of You), Vienna Pharaon sẽ từng bước dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu về vết thương cội nguồn của mình; nguyên nhân và cách thức những vết thương này tác động đến cuộc sống hiện tại của chúng ta, thậm chí là con cái chúng ta sau này. Đồng thời, cô cũng hướng dẫn bạn cách áp dụng phương pháp chữa lành tận gốc để “phá vỡ” những khuôn mẫu do vết thương cội nguồn mang lại.

Hành trình này bắt đầu từ việc tua lại quá khứ để tìm hiểu về gia đình cội nguồn của chúng ta. Đây là nơi hình thành nền tảng đầu tiên cho niềm tin, giá trị và căn tính của mỗi người. Đây cũng là nơi dạy cho chúng ta cách liên hệ với người khác, với bản thân và thế giới xung quanh.

Gia đình cội nguồn của bạn có thể luôn ổn, thỉnh thoảng mới ổn, hoặc hiếm khi ổn. Nhưng dù ở mức độ nào thì nó cũng không hoàn hảo. Và thông thường, chính câu chuyện cội nguồn ấy sẽ ngăn cản bạn được chữa lành, nó biến thành một khuôn mẫu lặp đi lặp lại để che đậy tổn thương bên trong.

Theo Vienna Pharaon, bạn có hai hướng phản ứng trước câu chuyện cội nguồn. Thứ nhất là tiếp tục đóng vai trò mà bạn đã quen thuộc từ thời thơ ấu. Nếu từng là đứa trẻ vô hình trong gia đình, luôn có vai trò nhỏ bé và trầm lặng, rất có thể lớn lên bạn sẽ vẫn tiếp tục thấy khó khăn trong việc nói lên ý kiến của mình.

Hướng thứ hai, khó nhận thấy hơn, là đi ngược lại, từ chối vai trò mà bạn từng đảm nhận khi còn bé. Ví dụ, nếu bạn từng đóng vai trò là người tâm giao, hỗ trợ cảm xúc cho cha hoặc mẹ, điều đó có thể khiến bạn kiệt quệ, muốn từ chối mọi sự kết nối, gần gũi và nhạy cảm, khi lớn lên bạn sẽ không muốn chăm sóc tinh thần hay tâm sự thân mật với bạn đời nữa.

Suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng có những tổn thương hay khó khăn của riêng mình. Việc lần về quá khứ không phải để bạn chỉ trích hay căm ghét bất kỳ ai. Bởi lẽ trong khoảng thời gian bạn lớn lên, những người lớn trong gia đình bạn có thể cũng phải chịu những vết thương của riêng mình. Và có thể đến tận ngày nay họ vẫn còn những vết thương chưa được phát hiện và chưa được giải quyết.

Vì lẽ đó, “Phá vỡ khuôn mẫu” của Vienna Pharaon không nhằm mục đích bào chữa hay phê phán đối tượng nào, thay vào đó, cuốn sách của cô giống như ngọn đuốc dẫn dắt bạn tạo ra những thay đổi lành mạnh, lâu dài cho mình. Vienna Pharaon chia sẻ: “Cuộc sống của bạn không tìm cách trừng phạt bạn. Nó chỉ muốn được chữa lành. Vết thương của bạn cũng không muốn làm hại bạn; chúng đang níu lấy bạn vì bạn xứng đáng được giải thoát. Hành trình tìm lại chính mình và làm chủ cuộc sống là một hành trình dài, một quá trình đang diễn ra. Nhưng khi nhận ra ảnh hưởng của vết thương cội nguồn và nỗ lực giảm bớt tác động của chúng lên hành vi hôm nay, bạn có thể bắt đầu hành trình chữa lành cần thiết”.

Có thể nói, những câu chuyện trong “Phá vỡ khuôn mẫu” như những lát cắt dọc của đời sống xung quanh, buộc chúng ta phải tự nhìn lại quá khứ và các khuôn mẫu trong cuộc sống của mình. Đồng thời cũng là để chúng ta có cái nhìn bao dung và thấu đáo hơn về mọi người xung quanh.

Đọc thêm