Biến khủng hoảng Covid-19 thành cơ hội

(PLVN) - Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tạo cơ hội để chúng ta chấp nhận loại bỏ những cái cũ, không phù hợp để thiết lập các cấu trúc mới, không để thể chế trói buộc sự phát triển…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Vỡ” kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị Tết của người dân. Dù phải chịu áp lực tăng giá do nhu cầu gia tăng và giá dầu thế giới phục hồi, lạm phát vẫn được kiểm soát. Xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo.

Mặc dù vậy, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số DN rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm.

Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Bộ KH&ĐT dự báo, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).

Nỗ lực vượt qua thách thức...

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế. Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một loạt các giải pháp trước mắt, trong đó nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dịch Covid-19 chính là cơ hội chúng ta nhìn lại mình để có bước đi chiến lược.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, không thể lãng phí cuộc khủng hoảng này. “Covid-19 đang tạo cơ hội để chúng ta chấp nhận loại bỏ những cái cũ, không phù hợp để thiết lập các cấu trúc mới, không để thể chế trói buộc sự phát triển!’ - ông nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đương nhiệm, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn  cũng quả quyết: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần giai đoạn của đổi mới sáng tạo là giai đoạn cao của quá trình phát triển. Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới. Đây cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, theo hướng hiệu quả, năng suất, tăng trưởng xanh”.

Tỏ ra thận trọng khi dùng từ “cơ hội”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, chỉ khi nào chúng ta vượt qua thách thức thì mới nói được cơ hội. 

“Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về cơ hội từ Hiệp định EVFTA, nhưng cơ hội đó dành cho ai. Tôi nhớ lại khi Việt Nam gia nhập WTO, mọi người trong một không khí rộn ràng, nhưng cơ hội đó dành cho ai. DN FDI đã biết chớp lấy thời cơ đó để đẩy mạnh xuất khẩu. Và Hiệp định EVFTA cũng tương tự như thế, chúng ta phải vượt qua thách thức thì mới tận dụng được cơ hội. Mở ra Hiệp định FTA là mở cửa thị trường trong nước cho người nước ngoài về đầu tư. Muốn trao cơ hội cho người Việt Nam thì trước hết chúng ta phải giúp cho người Việt Nam đủ năng lực vượt qua thách thức”- chuyên gia này thẳng thắn.

Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cũng tự tin khi đưa ra nhận định tình hình phát triển kinh tế năm 2021 sẽ tốt hơn 2020. Năm 2021 có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn từ 7-7,5%, thậm chí cao hơn  nếu các nguồn lực được phân bổ theo đúng nguyên tắc thị trường.

“Muốn đạt được mục tiêu kinh tế năm 2021 thì phải tích cực tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đồng thời cần ưu tiên phục hồi kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa…” -TS Cung đề nghị.

Ông cũng lưu ý, cùng với đó, cải cách môi trường kinh doanh phải đẩy mạnh hơn nữa. “Những thứ lâu nay đã làm thì phải làm nhanh hơn, mạnh hơn, rộng hơn…” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Đọc thêm