Công tác hải quan năm 2024: Đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong năm 2024, mặc dù tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính; sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức trong triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao, toàn ngành Hải quan năm 2024 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Công chức Hải quan tận tình hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu. (Ảnh: TD)
Công chức Hải quan tận tình hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu. (Ảnh: TD)

Những điểm sáng nổi bật

Một trong những điểm sáng của ngành Hải quan năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu. Dự báo tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 đạt khoảng 782,33 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nền kinh tế, chính trị thế giới năm qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế bền vững và nguồn thu ngân sách của nước ta. Trong bối cảnh đó, để tạo nguồn thu bền vững, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh thu thuế 24/7, chống thất thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu. Dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 của ngành Hải quan đạt 418 - 420 nghìn tỷ đồng, bằng 111,5 - 112% dự toán được giao, tăng 13,4 - 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả thu ngân sách tích cực nêu trên đã góp phần để Chính phủ có thêm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng đạt nhiều thành tích nổi bật. Trong năm 2024, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy diễn ra phức tạp, quy mô với nhiều thủ đoạn tinh vi. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm tốt công tác tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, nhiều vụ ma túy lớn, đặc biệt là các vụ án theo đường dây tội phạm quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã chủ động, nỗ lực triển khai thực hiện công tác hợp tác quốc tế. Quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan ngày càng mở rộng và mang lại hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục Hải quan đã thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế với vai trò là thành viên của các tổ chức quốc tế WCO, APEC, ASEAN, tham gia đàm phán các FTA... Sự kiện Hải quan Việt Nam chủ trì, tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 trong năm 2024 đã khẳng định vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, trong triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện Hải quan số và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan nỗ lực duy trì hoạt động của hệ thống Vnaccs/Vcis, đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ; yêu cầu kỹ thuật, công nghệ của hệ thống, xây dựng dự toán và hoàn thiện hồ sơ dự án báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt. Tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan có liên quan của Nhật Bản để hỗ trợ xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số. Tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Trong công tác xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, Tổng cục Hải quan thường xuyên quán triệt tới các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục chỉ đạo của Bộ Tài chính và ban hành Chỉ thị của Tổng cục trưởng cùng nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại trong ngành Hải quan. Quán triệt đầy đủ, toàn diện, sâu sắc chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Kết luận số 09-KL/BCT ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Với tinh thần khẩn trương, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2798/QĐ-TCHQ ngày 5/12/2024, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan Hải quan các cấp để báo cáo Bộ Tài chính trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, các mặt công tác khác như công tác thanh tra, công tác kiểm tra sau thông quan, công tác quản lý rủi ro, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác nội ngành... đều được triển khai tích cực.

Công chức Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa. (Ảnh: TH)

Công chức Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa. (Ảnh: TH)

5 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025

Phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, một là, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng CNTT và công nghệ số, trước tiên là xây dựng hệ thống CNTT mới đáp ứng yêu cầu trong thông quan hàng hóa, tiến tới việc thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh trên nền tảng số, cơ sở dữ liệu tập trung cấp Tổng cục.

Về nội dung chuyển đổi số, bám sát Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và các kế hoạch liên quan của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung vào 3 trụ cột là: Xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số; Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06 của Chính phủ); Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với thực hiện cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh và cảng biển số, phấn đấu hoàn thành xây dựng mô hình, quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu triển khai nền tảng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh với các nước có chung biên giới (Trung Quốc, Lào và Campuchia) và cảng biển số trong phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, toàn ngành cần tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan tại Công văn số 245/TTg-KTTH ngày 17/4/2024.

Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách: Tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hải quan phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý; Chủ động nắm bắt vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Bám sát tiến độ ban hành các nghị định đã trình Chính phủ, các thông tư hướng dẫn; Tích cực thực hiện theo Chương trình xây dựng pháp luật, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được phê duyệt gồm các nghị định, thông tư quan trọng trong lĩnh vực hải quan.

Ba là, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2025: Tiếp tục bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao tại nghị quyết của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Tài chính; Thực hiện tốt công tác quản lý thuế; Tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội thông qua.

Bốn là, quyết liệt, chủ động trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là phòng, chống ma túy: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh an toàn cộng đồng, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Triển khai các chương trình, kế hoạch công tác, các chiến dịch đấu tranh chống buôn lậu, thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài, đạt hiệu quả cao.

Năm là, sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động trơn tru, thông suốt ngay sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

Ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 29.273 tỷ đồng, khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ, số tiền thu nộp ngân sách 901,58 tỷ đồng. Về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, trong năm 2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ: 275 vụ/328 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 105 vụ, tang vật thu được 2,08 tấn ma túy các loại.

Đọc thêm