Biến thể này làm dấy lên lo ngại của mọi người về khả năng tạo nên một đại dịch mới và làm tiêu tan hết các kế hoạch phát triển vaccine hiện nay. Vậy chúng ta nên hiểu các thông tin này như thế nào cho đúng?
Bùng phát dù vẫn phong tỏa nghiêm ngặt
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng miêu tả chủng virus mới này đang “vượt ngoài tầm kiểm soát” giữa bối cảnh nước Anh đang thực hiện lệnh phong tỏa Giáng sinh nghiêm ngặt để ngăn chặn virus lây lan.
Chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh vào cuối tháng 11. Trong khi các nhà chức trách đang điều tra về việc tại sao tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Kent không hề giảm bớt bất chấp các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
Họ đã phát hiện ra các ổ dịch lây lan với tốc độ nhanh chóng ở Đông Nam nước Anh và London đều có liên hệ với biến chủng của virus SARS-CoV-2. Sở dĩ chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây chú ý bởi nó là nguyên nhân gây nên sự gia tăng đáng kể số ca mắc tại một số khu vực ở Anh, tập đoàn nghiên cứu về dịch Covid-19 Genomics Consortium tại Anh (COG-UK) cho hay.
Theo COG-UK, chủng mới của SARS-CoV-2 có “một số lượng lớn bất thường” sự thay đổi về gen với 23 biến chủng, 14 sự thay đổi amino acid và 3 sự loại bỏ. Đặc biệt, sự thay đổi tích tụ của 14 amino acid trước khi chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện cho tới nay là điều “chưa từng có tiền lệ trong dữ liệu về gen của virus trên toàn cầu trong đại dịch Covid-19”, COG-UK cho hay.
Tại Anh, khoảng 16,4 triệu người, tức là 31% dân số đã phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất ở “cấp độ 4”, trong đó có lệnh ở nhà và đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu. Một số khu vực khác của Vương quốc Liên hiệp Anh cũng thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Xứ Wales đã thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngày 20/12 trong khi Scotland cấm đi lại từ và đến các khu vực của Vương quốc Liên hiệp Anh dịp Giáng sinh. Cả Scotland và Bắc Ireland đều thực hiện lệnh phong tỏa mới ngày 26/12.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên ngoài nước Anh, chủng mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở Australia, Đan Mạch và Hà Lan. Để ngăn chặn sự lây lan của chủng mới này, một số khu vực đã đóng cửa với các du khách đến từ Anh.
Pháp đã cấm người dân và hàng hóa từ Anh đi qua Channel trong khi các nước láng giềng châu Âu khác như Đức, Ireland, Italy, Áo, Romania, Hà Lan và Bỉ cho biết họ sẽ cấm việc đi lại bằng đường hàng không với Anh.
Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Canada, Iran, Pakistan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nga và Jordan cũng tạm dừng đi lại với Anh còn Saudi Arabia, Kuwwait và Oman… đóng cửa biên giới hoàn toàn.
Vaccine có chống được biến thể mới?
Anh hiện là nước đầu tiên trên thế giới triển khai việc tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech vào đầu tháng này. Theo PHE: “Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine của Pfizer không thể bảo vệ con người trước chủng mới của virus SARS-CoV-2 này”.
Theo tờ New York Times, giới khoa học lo ngại về các biến thể trên song không bất ngờ khi chúng xuất hiện. Họ đã ghi nhận hàng ngàn sự thay đổi nhỏ trong vật liệu di truyền của SARS-CoV-2 khi nó lây lan khắp thế giới. Một số biến thể trở nên phổ biến hơn trong một quần thể dân số đơn giản là nhờ may mắn, chứ không phải những thay đổi làm nó trở thành siêu virus.
Nhưng khi mầm bệnh ngày càng khó tồn tại, do tiêm chủng và khả năng miễn dịch ngày càng tăng trong cộng đồng, các nhà nghiên cứu cho rằng virus sẽ biến đổi để dễ lây lan hơn hoặc thoát khỏi sự phát hiện của hệ miễn dịch.
Giống như tất cả các loại virus, SARS-CoV-2 là virus biến đổi hình dạng. Một số thay đổi di truyền là không quan trọng, nhưng một số có thể mang lại lợi ích cho nó. Các nhà khoa học đặc biệt lo sợ về khả năng thứ hai. Việc tiêm chủng cho hàng triệu người có thể tạo áp lực rất lớn khiến vi rút trở nên kháng lại phản ứng miễn dịch, đẩy lùi cuộc chiến toàn cầu trong nhiều năm.
Quy mô lây nhiễm rộng khắp thế giới trong đại dịch Covid -19 này có thể nhanh chóng tạo ra hàng loạt chủng virus SARS-CoV-2 mới. Tuy nhiên, phần lớn người dân trên toàn thế giới vẫn chưa bị nhiễm virus, khiến các nhà khoa học tiếp tục nuôi hy vọng.
Emma Hodcroft, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ, cho biết việc tiêm ngừa cho khoảng 60% dân số trong khoảng một năm và giữ cho số ca mắc bệnh giảm xuống sẽ giúp giảm thiểu đáng kể khả năng virus đột biến.
Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ cần theo dõi chặt chẽ chủng virus đang tiến hóa để phát hiện ra những đột biến có thể mang lại lợi thế cho nó so với vaccine.
Tin tốt là công nghệ sử dụng trong vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna dễ dàng điều chỉnh và cập nhật hơn nhiều so với vaccine thông thường. Các loại vaccine mới cũng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nên SARS-CoV-2 sẽ cần nhiều đột biến trong nhiều năm trước khi vaccine cần được điều chỉnh.
Trong khi chờ đợi, ông Bedford cùng các chuyên gia khác nhận định Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cùng một số cơ quan chính phủ khác nên thiết lập một hệ thống quốc gia để liên kết cơ sở dữ liệu trình tự virus với dữ liệu tại chỗ, chẳng hạn như việc có xảy ra lây nhiễm dù đã triển khai tiêm phòng hay chưa.
Có thực sự nguy hiểm?
Và ở góc độ tích cực, trên trang cá nhân, TS. Nguyễn Hồng Vũ,Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA chia sẻ: Biến chủng nCoV ở Anh có tốc độ lây lan nhanh hơn, nhưng tỷ lệ tử vong cũng như độ nghiêm trọng của các triệu chứng không tăng, theo các nghiên cứu. Sự biến đổi về trình tự gene của virus là hiện tượng tự nhiên, do trong quá trình lây nhiễm, sinh sản, virus đã sao chép bộ gene của chính mình và tạo lỗi.
Đến nay, số lượng biến thể nCoV được phát hiện bằng phương pháp giải trình tự bộ gene từ người bệnh lên tới vài nghìn. Con số thực tế có thể nhiều hơn. Việc một dòng virus trở nên phổ biến hơn, có thể nhờ tình cờ, chẳng hạn, biến thể bắt đầu ở một thành phố đông người.
Không có bằng chứng nào cho thấy điều đó xảy ra, mặc dù điều này cần được các chuyên gia theo dõi. Tuy nhiên, chỉ cần tăng số lượng lây truyền ca nhiễm cũng đủ gây áp lực cho hệ thống y tế. Chưa có bằng chứng chắc chắn về độc lực của biến thể này có tăng lên hay không. Tuy nhiên có lý do để xem xét khả năng một cách nghiêm túc.
Các nhà khoa học khác cho rằng, virus có thể đã đạt được những đột biến mới bằng cách lây qua quần thể động vật, như chồn, trước khi quay trở lại quần thể người. Đây là vấn đề đáng lưu tâm vì ngày càng có nhiều ca nhiễm trên động vật được phát hiện.
Như vậy, dựa trên các số liệu khoa học cho tới hiện nay, sự xuất hiện của biến thể mới làm dấy lên lo ngại về “tốc độ” lây nhiễm. Do vậy những động thái cẩn trọng của các nước ở Châu Âu, đặc biệt ở Anh lúc này như phong tỏa, kiểm dịch biên giới, sân bay là cần thiết để kiểm soát số lượng người nhiễm, không làm quá tải bệnh viện. Ngoài ra, việc lo sợ chủng này làm cho hiệu quả vaccine hiện nay không còn nữa, hoặc tạo nên một đại dịch mới là không có cơ sở.
Vậy lúc nào là lúc đáng lo sợ nhất về chủng biến thể mới của virus nCoV? Đó là khi mà những người đã từng nhiễm virus một cách tự nhiên hoặc những người được chích vaccine bắt đầu bị nhiễm lại dù rằng trong cơ thể của họ vẫn có kháng thể để nhận biết virus.
Chúng ta hãy bình tĩnh, cẩn trọng phòng ngừa việc lây nhiễm virus nCoV, chích vaccine ngừa virus nCoV khi có thể (phải là vaccine được các cơ quan y tế uy tín cấp phép sử dụng) và tiếp tục quan sát thông tin về sự biến đổi của virus nCoV 19- TS. Nguyễn Hồng Vũ khuyến cáo.
Viện Nghiên cứu y học Bộ Y tế Malaysia công bố trong số 1.400 loài được biết đến của các sinh vật gây bệnh truyền nhiễm cho con người, 61% là bệnh zoonotic. Động vật hoang dã và động vật nuôi là những loài chủ chốt gây ra bệnh Zoonotic từ những sinh vật không rõ trước đây, có thể xuất hiện trong con người.
Tương tự, Hội đồng nghiên cứu Y khoa và Y tế quốc gia Úc cũng cho biết một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường trung gian mang tính chất địa lý đã gia tăng trong những năm gần đây cùng với sự nóng lên trong khu vực như sốt rét ở khu vực cao nguyên Đông châu Phi, viêm não do ve truyền ở Thụy Điển, bệnh Lyme ở Canada, bệnh sán máng ở miền Đông Trung Quốc và châu Âu, bệnh lưỡi xanh do virus ở châu Âu.
Đặc biệt, các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền thành từng đợt sang người từ các nguồn động vật di cư như bệnh sốt Tây sông Nile (hiện đã có cả ở Mỹ và Canada - chim là vật chủ), bệnh Sosots thung lũng Rift Kenya (đại gia súc), virus sông Ross Úc (chuột túi)...
Hay mới đây, cả thế giới rung chuyển vì đại dịch Ebola được ví như một cơn cháy rừng phủ bóng đen âm u của nỗi lo lắng và sợ hãi toàn thế giới. WHO cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%. Ebola lây từ động vật sang người và từ người sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu mà cụ thể là sự nóng lên toàn cầu tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh lạ do biến đổi khí hậu hoành hành, trở thành cơn ác mộng của nhiều nước có khí hậu nhiệt đới.
Các căn bệnh sốt rét, sốt xuất huyết lan truyền do tác nhân truyền bệnh là muỗi - loài sinh vật không thể sống trong điều kiện nhiệt độ thấp như ở nhiều nước phương Tây. Bệnh dịch tả hay nhiều bệnh đường ruột khác cũng vậy, chúng lây lan từ nước uống nhiễm bẩn trong mùa mưa và hoành hành chủ yếu ở những nước đang phát triển.
Vấn đề thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng và những rối loạn của cơ thể do nhiệt độ tăng cao và biến đổi khí hậu làm nhiều bệnh lạ xuất hiện.