Phản tác dụng vì “sáng tạo” quá đà?
Nằm trong top video được xem nhiều trên Youtube gần đây, sản phẩm âm nhạc của rapper Bình Gold thu hút đến vài chục triệu lượt xem như “Bốc bát họ”, “Đớ”, “Cạch mặt”…
Đáng nói, hình ảnh những anh chàng xăm trổ, ăn mặc rách rưới, phì phèo điếu thuốc trên tay; bên cạnh là các “chân dài” ăn mặc hở hang, táo bạo “hầu thuốc, rót bia” trở đi trở lại trong các MV ca nhạc của rapper này.
Còn ca từ thì thô tục, vô nghĩa thậm chí là phản cảm, cổ súy lối sống bất cần, coi thường xã hội, ví như câu hát trong bài: “Mấy ông làm tiền mà làm lãnh đạo có khi là yêu nước thương dân. Đặc biệt là chế độ rất ưu tiên chế độ chị em trong ngành”.
Đáng lo ngại hơn chính là những comment phản hồi ủng hộ của giới trẻ phía dưới video cùng lượt view khủng. Nhiều bạn trẻ tỏ ra “thích thú” khi nói về chủ đề ma túy đá, hút hít, xăm trổ, gái đẹp… Với hình ảnh bắt mắt, âm nhạc bắt tai, dễ thu hút khán giả trẻ vốn tò mò, tưởng như vậy là hay rồi học đòi làm theo.
Một vụ việc khác cũng gây bức xúc dư luận gần đây là việc một rapper tên Richoi và êkip Locoboiz mượn hậu trường lớp học ở Trường THPT Amsterdam để quay MV nhưng lại tự ý đốt sách vở của học sinh trong lớp, còn tung lên mạng xã hội.
Sau khi bị lên án, nam rapper không hề tỏ ra hối hận mà còn đáp trả với thái độ vô trách nhiệm trên Facebook là “muốn giảm bớt áp lực học hành cho các em”. Có thể thấy qua thái độ và hành động này, Richoi cũng như một số rapper trẻ ngày nay đang cho rằng cá tính phóng túng phải thể hiện qua những phát ngôn gây sốc, ngông cuồng, không giống ai mặc kệ dư luận thì mới ra được cái “chất” của mình.
Phá cách nhưng vẫn phải văn minh
Dẫu biết, nhạc rap có những cái “ngông”, sự phá cách riêng, khác hẳn với nhạc ballad êm dịu và các dòng nhạc khác; nhưng giới hạn “ngông” như thế nào là đủ? Để lý giải câu hỏi này, ta cần tìm về nguồn gốc của nó, Rap là viết tắt của 3 từ Rhythm And Poetry (Nhịp và Thơ) là một hình thức nghệ thuật trong văn hóa Hip hop, xuất xứ và phát triển ở những khu ghetto ở Hoa Kỳ - những nơi ở tập trung của những người nghèo, người da màu, thường gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng.
Có thể coi nhạc rap là thứ âm nhạc giúp những người sống dưới đáy của xã hội tố cáo thực trạng bất công, phân biệt chủng tộc,… của xã hội Mỹ thời bấy giờ, cũng là cách tôn vinh một nhóm người, một lối sống nhất định.
|
MV Bốc bát họ của Bình Gold có nhiều cảnh phản cảm |
“Có nhiều người quan niệm, rap là phải chửi bới, gangster, súng đạn... Nhưng tôi nghĩ rộng hơn, rap là cách nói thẳng những điều mà người hát nghĩ. Vì thế, chủ đề và phong cách trong những bài hát của tôi cũng đa dạng hơn”, là chia sẻ của Đinh Tiến Đạt, một rapper được giới trẻ yêu thích.
Khác với những dòng nhạc khác, nhạc rap mang trong mình những đặc trưng và nhiều kỹ thuật đặc thù hơn chỉ là có giọng hát. Ví dụ, về kỹ năng sáng tác, người viết cần có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn câu từ; các phép so sánh, ẩn dụ, chơi chữ, vần kép, vần giữa câu, để vừa có chất văn vừa có chất thơ, còn ngôn ngữ chân thực, gần gũi với người nghe.
Về đề tài trong rap rất đa dạng, nhưng thường hướng tới phản ánh những bức xúc, vấn đề nhức nhối của xã hội hoặc thể hiện cảm xúc, quan điểm cá nhân về sự kiện, lối sống, con người nào đó. Kỹ năng xử lý bài hát rap cũng rất đa dạng, tùy theo mỗi cá nhân sẽ có cách nhấn nhá, ngắt nghỉ, ứng biến khác nhau để truyền tải thông điệp của mình.
Từ đó cho thấy, rap không phải là một thể loại nhạc tục tĩu; nhưng du nhập vào Việt Nam, nhiều người trẻ chỉ thấy phần nổi, phần “ngông” của loại nhạc này mà không thẩm thấu được ý nghĩa nghệ thuật của nó.
Được yêu thích trong làng underground, Đen Vâu là một trong những rapper luôn cố gắng mang đến những sản phẩm âm nhạc mang nội dung lành mạnh tới khán giả. Anh chia sẻ thẳng thắn: “Tôi không cố tình khiến âm nhạc của mình trở nên “độc - dị - lạ; những sáng tác của tôi luôn được khai thác từ cuộc sống dưới những cái nhìn mới mẻ.
Tôi viết nhạc bằng “hứng”, chỉ chọn beat bắt tai, bởi beat có bắt tai thì bài rap mới hay được. Nhưng điều ấy không có nghĩa là cho phép mình dễ dãi với câu từ. Làm rap phải nghiêm túc, phải tử tế thì mới có thể đi được đường dài”. Để làm được điều này tất yếu phải xuất phát từ tư duy và đạo đức làm nghề của nghệ sĩ.
Ngày nay, khi sức ảnh hưởng của Internet và mạng xã hội lan tỏa trong mọi ngóc ngách cuộc sống khiến cho những chuẩn mực xã hội lu mờ đi, giới trẻ ngày càng dễ dàng tiếp cận những luồng văn hóa khác nhau, được “truyền cảm hứng” qua mạng xã hội càng nhiều.
Rap Việt đã có lịch sử từ lâu nhưng nay để dòng nhạc này có thể phát triển đường dài, người nghệ sĩ cũng phải là người làm văn hóa, cần trau dồi đạo đức và hiểu biết của mình, để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật sáng tạo, độc lạ, ý nghĩa nhưng không đi trái với đạo đức, với thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống không lành mạnh.
Nhìn lại các rapper thời điểm trước như Mr.T, Mr.A, Lil Knight, Lil Shady, Big Daddy, dù bản hit của họ đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn được khán giả đón nhận và ủng hộ, không cần tục tĩu nhưng vẫn đi vào lòng khán giả.