Biết trái luật vẫn ra án là phải bồi thường

Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, đối với việc ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án thì bồi thường khi có đủ hai điều kiện, gồm bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; và có văn bản xác định hành vi trái pháp luật...

Chiều qua (18/9) tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Dưới sự chứng kiến của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào và Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm đã thống nhất ký kết Thông tư liên tịch này. Thông tư gồm 5 Chương, 28 Điều cùng 11 biểu mẫu kèm theo và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 12/11/2012.

2 trường hợp Tòa án phải bồi thường

Theo Thông tư liên tịch thì Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trong hai trường hợp, bao gồm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (trong các trường hợp được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 28 Luật TNBTCNN) và ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án (quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật TNBTCNN).

Cụ thể, trong hoạt động tố tụng dân sự, có các trường hợp là người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011; người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 102 BLTTDS khi không có đủ các điều kiện theo quy định tại các Điều 103, 104, 105, 106 và 107 của BLTTDS và hướng dẫn tại Mục 3 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các BPKCTT” của BLTTDS; người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu; người đã tiến hành tố tụng ra quyết định áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Trong hoạt động tố tụng hành chính, có các trường hợp sau: Người đã tiến hành tố tụng tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT khi không có đơn yêu cầu của người yêu cầu; Người đã tiến hành tố tụng áp dụng BPKCTT không đúng với yêu cầu của đương sự.

Đối với việc ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án thì bồi thường khi có đủ hai điều kiện, gồm bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; và có văn bản xác định hành vi trái pháp luật theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

4 loại văn bản xác định hành vi trái pháp luật

Cũng theo Thông tư liên tịch, văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án là một trong các văn bản như: Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người đã tiến hành tố tụng đó phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án; Các quyết định gồm Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 164 BLTTHS, Quyết định đình chỉ vụ án của VKS theo quy định tại khoản 1 Điều 169 BLTTHS, Quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 180 BLTTHS vì lý do người đã tiến hành tố tụng ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự; Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án xác định người đã tiến hành tố tụng có hành vi ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong trường hợp người đã tiến hành tố tụng chưa bị khởi tố hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử về những hành vi này thì bị chết…

Phát biểu tại lễ ký kết, lãnh đạo ba cơ quan cùng khẳng định, đây là Thông tư liên tịch có vai trò quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; góp phần đảm bảo thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiệu quả hơn; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân và Nhà nước.Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ hy vọng, cùng với các Thông tư khác sẽ được ban hành trong thời gian tới, Thông tư liên tịch này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn giải quyết bồi thường thiệt hạihiện nay.

 Hoàng Thư

Đọc thêm