Bình đẳng giới trong chính sách, pháp luật hiện nay

(PLVN) - Bình đẳng giới (BĐG) trong chính sách, pháp luật ở nước ta hiện nay là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể hóa Công ước quốc tế (CEDAW, ILO) mà Việt Nam tham gia là thành viên thể hiện trong Hiến pháp năm 2013, khẳng định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội Bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).

Luật BĐG năm 2006 đánh dấu bước phát triển về thể chế và hệ thống hóa trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam bằng việc tăng cường BĐG trong đời sống cá nhân và xã hội. Luật quy định 8 lĩnh vực của BĐG trong các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, gia đình.

Thực thi chính sách về BĐG, các bộ luật, luật, Chương trình hành động của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về BĐG và các văn bản khác được ban hành trong thời gian qua luôn tuân thủ những nguyên tắc đã được hiến định và luật định về BĐG.

Xây dựng thể chế, dần hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những trụ cột nhằm đưa đất nước phát triển trong thời gian tới, trong đó có những chính sách, pháp luật liên quan đến BĐG được ban hành mới đây như sau:

Trên cơ sở quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND về “số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội,… bảo đảm có ít nhất 35%” (khoản 3 Điều 8), Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban tổ chức Trung ương quy định chuẩn bị nhân sự cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Trong đó, tuổi của đại biểu ứng cử tính theo tuổi nghỉ hưu mà Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, nếu “Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây”.

Trước đó, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hướng dẫn số 26- HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban tổ chức Trung ương quy định quy trình từ khâu xây dựng Đề án nhân sự, quy hoạch nhân sự, tham gia cấp ủy các cấp đều phải đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ.

Về lĩnh vực lao động, khoản 7 Điều 4 Bộ luật Lao động năm 2019 “Bảo đảm Bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên”.

Ngoài ra, Bộ luật còn dành riêng một chương cho lao động nữ và vấn đề BĐG nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản của họ trong khi làm việc (Chương X); thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 05 năm xuống còn 02 năm, đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình kể từ năm 2021 cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035, nhằm tạo điều kiện cho nữ giới làm việc cống hiến, hưởng thụ… (Điều 169).

Trong lĩnh vực y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định “bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh” (Điều 3). Kế thừa và bổ sung, Luật Giáo dục năm 2019 có nội dung về BĐG từ khi ban hành chương trình giáo dục, quy định quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, giáo dục hòa nhập cho đến kiểm định chất lượng giáo dục,…(Điều 8, Điều 13, Điều 15, Điều 110).

Thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 939/QĐTTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Quan điểm xuyên suốt trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đó là: “Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác”.

Đọc thêm