Bình Định ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm kịp thời giải quyết các yêu cầu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Ảnh minh họa

Quy chế này ban hành kèm theo Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND và thay thế cho Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 27/5/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 10/11/2024.

Theo đó, Quy chế phối hợp nhằm bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quan hệ phối hợp công tác khi thực hiện nhiệm vụ, qua đó, kịp thời giải quyết các yêu cầu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nội dung Quy chế gồm 3 chương, 14 điều quy định các nguyên tắc, trách nhiệm, cũng như mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo Quy chế này, các cơ quan bao gồm: Sở Tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; các tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh phải có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho người thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, cũng như triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để tạo cơ sở cho việc thực hiện đăng ký trực tuyến và chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm.

Bên cạnh đó, các cơ quan nêu trên cũng cần bảo đảm nhân lực, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; kiểm tra, thanh tra, theo dõi thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan và có chế độ báo cáo, thống kê tình hình tổ chức, hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm.

Qua đây, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tư pháp tỉnh chủ trì, làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế cũng như phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh triển khai thực hiện và chủ động tham gia, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung theo Quy chế đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đọc thêm