Việc Tập đoàn Syre ký kết Bản Ghi nhớ đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải Polyester tại Bình Định là kết quả của công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định trong thời gian qua, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo bà Susanna Campell, Chủ tịch Tập đoàn Syre cho biết, Bản Ghi nhớ lần này đánh dấu cam kết hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Syre nhằm đảm bảo các điều kiện và tiêu chí quan trọng được đáp ứng để tiến tới quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tái chế Giga đầu tiên của Syre.
![]() |
Quang cảnh buổi Lễ ký kết |
Các tiêu chí then chốt bao gồm: Khu công nghiệp gần hệ thống hạ tầng, Nguồn năng lượng xanh, Nguồn nguyên liệu đầu vào (các sản phẩm dệt may có thể tái chế), cũng như cơ chế thí điểm cấp phép nhập khẩu nguyên liệu dệt may tái chế từ các quốc gia lân cận.
Theo đó, Tập đoàn Syre có kế hoạch đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester tại Bình Định với công suất thiết kế lên tới 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Dự án dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2028 và hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU, theo định hướng phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net Zero). Qua đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Trong thập kỷ tới, Syre tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng nhiều nhà máy tái chế sợi dệt Gigascale trên toàn cầu, hoàn thiện chu trình khép kín từ rác thải dệt may thành sợi polyester tuần hoàn ở từng khu vực. Mỗi nhà máy Gigascale được thiết kế với công suất hàng năm từ 100.000 đến 250.000 tấn hạt nhựa PET chất lượng cao và dự kiến tạo ra 600 việc làm, bao gồm công nhân kỹ thuật tay nghề cao, chuyên gia kỹ thuật và nhân sự hỗ trợ vận hành.
![]() |
Bà Susanna Campell, Chủ tịch Tập đoàn Syre |
Chia sẻ tại Lễ ký kết, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Với quyết tâm “tăng tốc”, “bứt phá”, chuyển mình mạnh mẽ để cùng đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư có uy tín toàn cầu trong ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường, tỉnh Bình Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Tập đoàn Syre trong quá trình khảo sát và triển khai dự án tại tỉnh Bình Định sau khi dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận phê duyệt theo quy định của pháp luật Việt Nam.
![]() |
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ ký kết. |
Trước đó, vào tháng 5/2024, cùng với việc công bố vòng gọi vốn đầu tiên trị giá 100 triệu USD, Syre đã thông báo lựa chọn Việt Nam là một trong những địa điểm tiềm năng cho nhà máy tái chế Gigascale đầu tiên của mình.
Ngày 23/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi và Lãnh đạo tỉnh Bình Định đối với đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải Polyester.
![]() |
Đại diện UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre, Thụy Điển ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. |
Tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn SYRE dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester theo hướng sản xuất xanh, sạch, tận dụng phế liệu liên quan dệt may, góp phần cải thiện môi trường theo tinh thần của các Hội nghị từ COP26 đến 28.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng xanh, xác định đây là một trong những động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững, đạt mức tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới. Đồng thời, dự án của SYRE cũng phù hợp với định hướng của Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để thích ứng với những biến động của tình hình.
Syre là công ty tiên phong trong lĩnh vực tái chế sợi dệt may từ vải sang vải (textile-to-textile), với sứ mệnh giảm phát thải carbon và rác thải trong ngành dệt may thông qua giải pháp tái chế sợi dệt từ vải đã qua sử dụng ở quy mô siêu lớn, bắt đầu với polyester.
Với tốc độ triển khai và quy mô chưa từng có, Syre đặt mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành dệt may, hướng tới một tương lai nơi mọi sợi vải đều có cơ hội tái sinh. Giải pháp tái chế tuần hoàn của Syre tạo ra polyester có chất lượng tương đương polyester nguyên sinh nhưng vượt trội về hiệu quả bền vững.
Được thành lập vào năm 2023, Syre là sáng kiến chung của H&M Group và Vargas, với sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư sáng lập bao gồm TPG Rise Climate, Giant Ventures, IMAS Foundation, Leitmotif, Norrsken VC và Volvo Cars.