Miền biên giới nghèo khó Sốp Cộp 'thức dậy' từ nguồn vốn chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với quyết tâm chính trị cao và sự chủ động trong triển khai nhiều giải pháp cùng nguồn lực đầu tư, huyện Sốp Cộp - một vùng quê biên giới còn nhiều khó khăn, sinh sau đẻ muộn của tỉnh Sơn La đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ vùng đất từng in dấu nghèo khó, nơi đây nay ghi dấu ấn bằng những bước tiến rõ nét trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sốp Cộp là huyện biên giới vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La. Khi mới thành lập vào cuối năm 2003, nơi đây còn vô vàn khó khăn: cả 8 xã trong huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất, không có điều kiện mua cây trồng, vật nuôi. Toàn huyện chưa có điện lưới quốc gia, hệ thống đường liên thôn, liên xã quanh co, hiểm trở khiến việc đi lại vô cùng gian nan. Bởi vậy, cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng các cộng đồng dân tộc như Thái, Mông, Lào, Khơ Mú...

Trăn trở trước cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn của đồng bào nơi biên cương, các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Sốp Cộp đã xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiều năm qua và cả chặng đường sắp tới. Huyện ủy và UBND huyện đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo một cách bền vững.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Sốp Cộp hoạt động cả thứ 7 , CN tạo thuận lợi để dân vay vốn ưu đãi.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Sốp Cộp hoạt động cả thứ 7 , CN tạo thuận lợi để dân vay vốn ưu đãi.

Theo đó, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã khẩn trương mở cửa một phòng giao dịch và đưa những cán bộ tín dụng sung sức, nhiệt tình về bám bản, bám dân tại vùng cao biên giới cùng thời điểm thành lập huyện Sốp Cộp (2003). Chính sách về cùng các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại, bàn bạc, tính toán, đề ra phương pháp thực hiện. Toàn dân, toàn huyện hưởng ứng tham gia phong trào xuống ruộng, lên rừng để tạo nguồn thu, cải thiện cuộc sống cho mình. Nhờ vậy, chỉ mươi năm trở lại đây, huyện Sốp Cộp đã chuyển mình mạnh mẽ, đổi thay từng ngày.

Nếu như trước đây, người dân Sốp Cộp chỉ biết đến bắp ngô, củ sắn, củ khoai…để xóa đói, thì nay đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như vùng sản xuất lúa nếp tan, vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn; vùng cây cà phê tập trung tại xã Dồm Cang, đem lại thu nhập từ hàng chục, hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

Mỗi năm, Sốp Cộp giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo, theo tiêu chí nghèo đa chiều còn 25,94%, phấn đấu cuối năm nay xuống dưới 20%.

Nhờ nguồn vốn tín dụng đồng bào DTTS mạnh dạn phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng.

Nhờ nguồn vốn tín dụng đồng bào DTTS mạnh dạn phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng.

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, Bí thư huyện ủy Sốp Cộp, bà Dương Tú Anh cho biết: Để giúp cho vùng đất biên giới Sốp Cộp có điều kiện phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình như 30a, 135, 167 và tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn, trong đó chú trọng đến nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả cho công tác giảm nghèo, nhanh, bền vững.

“Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Cụ thể các cấp ủy Đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc khó khăn tại địa bàn” Bí thư huyện ủy Sốp Cộp khẳng định.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH Sốp Cộp đến 16.759 triệu đồng (bao gồm ngân sách tỉnh là 9.550 triệu đồng, ngân sách huyện là 7.209 triệu đồng, đạt 101% kế hoạch tăng trưởng, góp lực nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Sốp Cộp lên 420.768 triệu đồng) (tính đến 30/3/2025), tăng so với 31/12/2024 là 13.811 triệu đồng.

Có kết quả này, theo Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Đảng NHCSXH huyện Sốp Cộp, ông Nguyễn Thế Cần, là do Lãnh đạo địa phương luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tập trung huy động tạo lập các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động.

Tận tâm truyền tải nguồn vốn đến các đối tượng chính sách

Toàn bộ nguồn vốn do huy động tạo lập được cùng nguồn vốn ngân sách đơn phương ủy thác đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Sốp Cộp chẳng quản ngại gian nan vất vả, thường xuyên bám sát cơ sở, truyền tải về tận thôn bản, giúp bà con vay vốn thuận lợi, đầu tư sản xuất kịp thời.

Mường Và là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, nơi sinh sống của phần lớn người dân tộc Lào. Trong hành trình vươn lên thoát cái nghèo đeo bám, người dân nơi đây đã được sự động viên của lãnh đạo xã, nhất là được NHCSXH tiếp sức để phát triển sản xuất thoát nghèo nhanh.

Cán bộ tín dụng chính sách cùng đích thân giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Thế Cần đã xuống tận các bản của xã trực tiếp hướng dẫn bà con vay vốn thuận lợi, đầy đủ, giúp đỡ 90 hộ dân ngụ tại bản Nà Mòn sử dụng vốn chính sách tham gia chuyển đổi cây trồng từ ruộng lúa, đồi sắn thu nhập thấp sang trồng cam. Hộ ít thì vào chục gốc, hộ nhiều có đến 3-4 ha, đạt năng suất trên 10 tấn quả, ha; có hộ đồng bào dân tộc thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây cam.

Giám đốc NHCSXH huyện Sốp Cộp - ông Nguyễn Thế Cần (người mặc áo vét, đeo kính) cũng cán bộ tín dụng thường xuyên đến bản làng hướng dẫn bà con dân tộc vay vốn thuận lợi , sử dụng vốn hiệu quả.

Giám đốc NHCSXH huyện Sốp Cộp - ông Nguyễn Thế Cần (người mặc áo vét, đeo kính) cũng cán bộ tín dụng thường xuyên đến bản làng hướng dẫn bà con dân tộc vay vốn thuận lợi , sử dụng vốn hiệu quả.

Tiêu biểu có gia đình anh Lò Văn Thuần là một trong những hộ đầu tiên của bản chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, anh Thuần cho biết: “Thời điểm ban đầu, gia đình tôi chuyển gần 1 ha cây lương thực sang trồng cam, vừa trồng, vừa học kỹ thuật, kinh nghiệm. Cũng có lúc nản lòng, thoái chí nhưng nhờ sự cố gắng, đến nay trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch gần 10 tấn quả. Giờ đây, chúng tôi đã thành lập HTX với 11 thành viên, có 12 ha cam”.

Ngoài hộ gia đình anh Thuần, nhiều hộ dân cũng đã tham gia và hình thành vùng chuyên canh cà phê, phần đông số hộ có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 11,53%.

Dòng vốn tín dụng chính sách đã phủ kín vùng đất biên giới Sốp Cộp rộng lớn gần 147 nghìn ha, giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS phát triển sản xuất, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng.

Cán bộ tín dụng chính sách ở Sốp Cộp luôn tận tâm, gắn bó phục vụ dân nghèo vay vốn , sử dụng vốn phát triển sản xuất , cải thiện cuộc sống.

Cán bộ tín dụng chính sách ở Sốp Cộp luôn tận tâm, gắn bó phục vụ dân nghèo vay vốn , sử dụng vốn phát triển sản xuất , cải thiện cuộc sống.

“Chính những cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Sốp Cộp đã thường xuyên bám sát địa bàn, xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn bản và hệ thống Điểm giao dịch xã để làm cầu nối vững chắc giúp người dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi và gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa “Ngân hàng - chính quyền - đoàn thể - Tổ TK&VV, giúp vốn tín dụng chính sách đến với mọi thôn bản. Những năm gần đây, hình thức “giao dịch tại nhà” và “giải ngân thu nợ tại xã” cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn và giảm chi phí đi lại”, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT - NHCSXH huyện Sốp Cộp, ông Vũ Văn Quân chia sẻ.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sốp Cộp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Đơn vị tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua như: “Cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Cùng cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, và “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, say sưa sáng tạo”.

NHCSXH huyện phấn đấu giữ vững vai trò là “điểm sáng”, là “trụ cột” trong công cuộc giảm nghèo bền vững; xứng đáng với hình ảnh cán bộ ngân hàng “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, đơn vị đã và đang góp phần thiết thực vào hành trình giảm nghèo, dựng xây cuộc sống mới nơi vùng đất biên giới của tỉnh Sơn La, chủ động bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên giàu mạnh của đất nước.

Đọc thêm