Bình Định sẵn sàng các điều kiện ứng phó với thiên tai năm 2023

(PLVN) - Theo Báo cáo từ Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, các địa phương đã thành lập các đội xung kích PCTT cấp xã; chuẩn bị các cơ sở kiên cố để di dời dân cũng như các vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN… Qua đó cơ bản chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2023.
Ảnh minh họa. Nguồn: V.Đ.T
Ảnh minh họa. Nguồn: V.Đ.T

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PPNT) tỉnh Bình Định mới có báo cáo về Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã thành lập 3 tổ công tác kiểm tra việc phòng, chống thiên tai năm 2023 tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh từ ngày 6/9 đến ngày 30/9/2023; đi thực địa kiểm tra tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng đến các hộ dân; thực địa kiểm tra công tác thi công và chuẩn bị PCTT; kiểm tra công tác vận hành, “4 tại chỗ” tại các hồ Hưng Long, Hố Chuối…

Bên cạnh đó, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy và Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy; ban hành Chỉ thị công tác PCTT và TKCN năm 2023.

Hiện tỉnh Bình Định có 1.026 xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, 134 xe ô tô chở người dưới 40 chỗ, 926 ô tô vận tải, 109 ô tô bán tải, 24 xe chỉ huy phòng chống lụt bão, 70 hệ thống truyền hình, hội nghị, 160 tàu các loại, 1 xuồng ST–1200, 09 xuồng ST–750, 13 xuồng ST–660, 07 xuồng ST–450, 586 xuồng nhôm, 54 ca nô các loại, 478 thuyền nhôm; 17.678 phao áo cứu sinh, 14.975 phao tròn cứu sinh, 223 phao bè, 05 thiết bị bắn dây mồi, 28 súng bắn đạn tín hiệu, 1.572 đạn tín hiệu các loại, 300 viên pháo hiệu dù báo bão, 380 máy bơm nước, 48 máy cắt thực bì chữa cháy, 132 máy thổi gió chữa cháy, 71 nhà bạt cứu sinh nhẹ, 155 nhà bạt 16,5m2, 109 nhà bạt 24,75m2, 52 nhà bạt 60m2, 136 máy phát điện, 584.576 bao cát.

Ngoài ra, các mặt hàng mì ăn liền, gạo, nước uống đóng chai chủ yếu được dự trữ tại các đơn vị có khả năng cung ứng lớn như Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, Chi nhánh Liên Hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh - Co.opmart An Nhơn, Công ty TNHH TM SX XNK Anh Nhật, Công ty Cổ phần Nước Khoáng Quy Nhơn và một số nhà phân phối khác.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xây dựng phương án sơ tán dân tại chỗ; sơ tán trong xóm với nhau, sơ tán đến các cơ sở công cộng trong xóm, đồng thời lập danh sách các điểm kiên cố để di dời dân đến trú khi có thiên tai xảy ra, chủ yếu là trường học, trụ sở thôn, nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở tôn giáo. Cụ thể: Toàn tỉnh có 159 hội trường cấp xã, 159 trạm y tế cấp xã, 848 nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn; 573 trường học các cấp và 12 nhà trú, tránh bão, mưa lũ, sẵn sàng để di dời dân đến khi có thiên tai.

Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS kiểm tra công tác phòng chống thiên tai các xã, phường, thị trấn để kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có thiên tai; Tổ chức trực ban 24/24 công tác PCTT, thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông trong tỉnh tại địa chỉ website https://pcttbinhdinh.gov.vn, theo dõi quá trình tích nước của các hồ chứa, để có kế hoạch ứng phó kịp thời khi mưa bão; Tiếp tục rà soát, thống kê lên danh sách cụ thể các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao, thường xuyên phải di dời khi có bão lụt; Ưu tiên hình thức di dời xen ghép tại chỗ, lập danh sách hộ sơ tán và các hộ có nhà ở kiên cố để xen ghép chủ động trong công tác ứng phó với mưa bão.

Trường hợp phải sơ tán di dời dân đến nhà tránh trú cộng đồng, cơ quan nhà nước, trường học… có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ về nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Có biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Đọc thêm